ThienNhien.Net – Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tạm dừng cấp giấy phép CITES kể từ ngày 1/1/2015 đối với các hồ sơ đề nghị nhập khẩu gỗ có nguồn gốc từ Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tạm ngừng cấp giấy phép CITES tái xuất khẩu gỗ trắc kể từ ngày 1/1/2015 đối với các lô hàng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ trắc từ Lào và Campuchia theo quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BCT ngày 24-10-2014 của Bộ Công Thương.
Theo Cơ quan quản lý CITES, giấy phép CITES nhập khẩu gỗ trắc từ Lào chỉ được xem xét cấp khi có xác nhận về hồ sơ hợp pháp của Cơ quan quản lý CITES Lào.
Công ước CITES đã được 12 nước dự họp tại Washington, Hoa Kỳ ký kết thông qua ngày 1/3/1973 nên còn được gọi là công ước Washington. Công ước này có 25 điều đề cập đến các nguyên tắc chung, các biện pháp và nghĩa vụ của các thành viên. Công ước có hiệu lực từ 1/7/1975.
Ở Việt Nam, để bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời cũng để phối hợp có hiệu quả với cộng đồng quốc tế trong việc kiểm soát và điều chỉnh việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoan dã có nguy cơ tuyệt chủng, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 121 tham gia Công ước này vào ngày 15/1/1994. Hiện đã có khoảng 140 nước tham gia Công ước.
Nội dung của Công ước CITES là những nước thành viên thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng được ghi trong bản phụ lục kèm theo của Công ước đã được hội nghị toàn thể các nước thành viên thỏa thuận thông qua.