ThienNhien.Net – Trở về từ các mặt trận, trên chiến trường, anh chị em Cựu chiến binh (CCB) đã phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội cụ Hồ” tham gia phát triển kinh tế – xã hội, làm giàu cho gia đình và quê hương. CCB Tô Hoài Dân ở Cà Mau đã xung kích vào một lĩnh vực vô cùng mới mẻ là phát triển dự án Điện gió ở Bạc Liêu. Có tổng vốn đầu tư hai giai đoạn gần sáu nghìn tỷ đồng (300 triệu USD), dự án sau khi hoàn thành sẽ có công suất 380 triệu KW/giờ, lớn nhất cả nước trong lĩnh vực điện gió.
Ở Cà Mau – Bạc Liêu, người dân gọi anh bằng cái tên thân mật anh Sáu “điện gió”. Vốn xuất thân từ người lính, phong cách “nói đi liền với làm”, “làm tới, làm ngay” của anh đã chiếm được cảm tình của lãnh đạo các tỉnh miền tây. Bây giờ điểm lại những việc anh làm, cơ ngơi mà anh để lại, chúng tôi thêm cảm phục và quý mến anh. Anh là Tô Hoài Dân, Giám đốc Công ty Công Lý – chủ đầu tư dự án Điện gió Bạc Liêu.
Hôm đến thăm dự án Điện gió Bạc Liêu, tôi ngồi cùng xe với anh Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Anh cho hay, từ hồi còn làm Thứ trưởng Bộ Công thương phụ trách ngành điện, khi nghe nói về dự án làm điện gió của Tô Hoài Dân, anh đã bị thuyết phục và sau đó nhiệt tình ủng hộ. Vì anh hiểu đầu tư cho năng lượng sạch là ưu tiên hàng đầu của các nước phát triển, và Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Vùng biển cực nam của Tổ quốc nghèo lắm. Đó là vùng bãi ngang nên ngư dân muốn đánh bắt cá phải ra vùng biển sâu tận Trường Sa – Hoàng Sa. Trong cái khó ló cái khôn. Người cựu chiến binh Tô Hoài Dân thấy vùng biển nơi đây không hề có bão, cả năm chỉ có nắng và gió. Anh bật nghĩ trong đầu: “Sao không nghiên cứu làm điện gió?”.
Thế rồi, anh thuê tư vấn trong nước và nước ngoài, nghiên cứu về khí tượng thủy văn vùng biển nơi đây. Chưa hài lòng với kết quả ban đầu, anh đã sang Mỹ thuê một công ty chuyên nghiên cứu dự án tiền khả thi về dự án Điện gió sang Bạc Liêu nghiên cứu. Họ mang sang cả một công-ten-nơ máy móc, thiết bị để đo đạc, thu thập các thông số kỹ thuật về gió – mưa, về thổ nhưỡng, rồi mang từng mẫu đất, mẫu bùn về nghiên cứu và trả lời kết quả: Biển Bạc Liêu hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu xây dựng Trung tâm Điện gió. Tô Hoài Dân làm ngay báo cáo khả thi trình Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ đồng ý cho triển khai ngay.
Thế nhưng…
Ngày đó ở Bạc Liêu, người ta nghe đến việc xây nhà máy điện gió trên vùng biển ngập mặn như là câu chuyện lạ. Nhiều người ngay trong lãnh đạo tỉnh cũng không tin nên không ủng hộ…. Nhưng duy nhất có một người gắn bó với từng bước đi của dự án là đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (khóa trước là Chủ tịch UBND tỉnh). Khát vọng đi lên bằng con đường CNH-HĐH, và tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà đã thôi thúc anh Võ Văn Dũng và từng bước thuyết phục các đồng chí lãnh đạo và người dân Bạc Liêu. Bởi nói như anh Võ Văn Dũng: “Làm thủy điện thì mất rừng, làm nhiệt điện thì khí thải nhà kính, chỉ có làm điện gió là vô cùng sạch” vừa thân thiện với môi trường, vừa hiệu quả lâu dài.
Khi bắt tay vào thực hiện dự án khó khăn chất chồng bởi ở các nước công nghiệp phát triển người ta dùng những cần cẩu có sức nâng cả nghìn tấn để lắp dựng nên rất nhanh. Ở ta thì vẫn phải dựng cột bằng phương pháp truyền thống tức là dựng bằng Palang kéo trượt trụ cột từng cm. “Khó khăn là khâu làm móng”. Tô Hoài Dân kể lại vì làm theo thiết kế của Mỹ nên mỗi một đài móng được đổ trên đầu của 40 chiếc cọc bê-tông khoan, ép sâu đến 44m để bảo đảm cây cột cao 90m, nặng 60 tấn, không thể nghiêng, dù có gió bão cấp 13-15.
Đến trụ sở công ty, Tô Hoài Dân khiêng ra từng tập tài liệu nghiên cứu khả thi dự án điện gió. Nào là phân tích số ngày nắng, số ngày mưa, giờ cao điểm, giờ thấp điểm rất chi ly – khoa học, tính được đến từng công suất, sản lượng điện, rồi tính đến khấu hao, trả nợ, nộp ngân sách, v.v. Vào nhà điều hành trung tâm, càng khâm phục hơn khi chỉ có sáu cán bộ, kỹ thuật viên vận hành 10 tổ máy phát điện. Anh kể: “Tất cả hệ thống đều nằm trong sự quản lý của các máy tính, hiện đại ở chỗ: nếu gió nhẹ quá hoặc mạnh quá, máy tính tự động điều khiển cho cánh quạt ngừng quay hoặc điều chỉnh tua-bin quay theo chiều hướng gió có lưu lượng gió lớn nhất, đạt hiệu quả cao nhất”. Từ tháng 5-2013, 10 trụ điện gió đầu tiên đã hòa với lưới điện quốc gia với công suất 16MW, năm đầu tiên đã phát lên lưới điện quốc gia 42 triệu KW/giờ/năm. Nếu cộng cả năm nay thì tổng sản lượng điện đã đạt 46.000MW.
Tô Hoài Dân cho biết thêm: “Tiếp nối giai đoạn I, chúng tôi đang thực hiện xây dựng giai đoạn II của dự án gồm 52 trụ tua-bin gió, công suất thiết kế 83,2 MW với tổng mức đầu tư 4.193 tỷ đồng. Giai đoạn II được chính thức khởi công tháng 11-2013, theo kế hoạch tiến độ hoàn thành bàn giao tháng 6-2016, tổng sản lượng dự kiến phát lên lưới điện quốc gia khoảng 83 triệu Kw/giờ/năm. Mặt khác, địa điểm thi công dự án giai đoạn II được bố trí lấn xa ra biển để tăng khả năng phát điện nên trong thời điểm triển khai thi công các móng trụ lại rơi vào mùa gió chướng, sóng to cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tuy vậy, nhờ đã có kinh nghiệm của giai đoạn I về công tác chuẩn bị đầu tư cũng như thi công lắp đặt nên sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí…, bên cạnh đó một số hạ tầng kỹ thuật quan trọng phục vụ cho dự án đã được chủ động đầu tư từ giai đoạn I như: khu điều hành dự án, đường dây 22 KV, đường dây 22/110 KV truyền tải đấu nối lưới điện quốc gia do đó tiến độ thực hiện giai đoạn II sẽ được rút ngắn hơn và việc nối kết khi hoàn thành để phát điện thương mại sẽ thuận lợi nhiều”.
Hiện tại tỉnh Bạc Liêu đang phối hợp cùng Công ty Công Lý để hoàn thiện quy hoạch phát triển Dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn III với quy mô công suất là 480MW. Dự án được sự bảo lãnh tài trợ vốn đầu tư của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (Eximbank) và vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), trong đó VDB là đầu mối quản lý nguồn vốn vay này. Trong tương lai khi hoàn thành toàn bộ dự án, tỉnh Bạc Liêu sẽ trở thành trung tâm điện gió của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với quy mô công suất lớn nhất cả nước.
Bên bờ đê đông TP Bạc Liêu sình lầy, trước đây chỉ có đước và tràm đã mọc lên một nhà máy điện gió, hàng chục trụ điện đã và đang mọc lên, góp vào lưới điện quốc gia hàng chục triệu KW/giờ. Ước mơ về rừng điện gió đã và đang trở thành hiện thực. Để có được thành quả đó là nhờ có sự quyết tâm, ý chí “quyết thắng” của cựu chiến binh Tô Hoài Dân. Anh thật xứng đáng với cái tên trìu mến: Anh Sáu điện gió.