ThienNhien.Net – Dù đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhưng đơn vị chủ rừng vẫn khó đẩy lùi nạn khai thác lâm sản trái phép đã và đang diễn ra.
Gần đây, rừng phòng hộ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận, nơi giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng bị tàn phá nghiêm trọng. Mặc dù đã tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, nhưng đơn vị chủ rừng vẫn khó đẩy lùi nạn khai thác lâm sản trái phép đã và đang diễn ra.
Tiểu khu 73A (xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình) hiện là một trong những điểm nóng phá rừng của tỉnh Bình Thuận. Địa hình khu vực này giáp với tỉnh Lâm Đồng rất hiểm trở. Phải mất gần một ngày đường, đi vòng qua huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, sau đó vượt qua những triền núi cao và khe suối sâu, chúng tôi mới có thể tiếp cận được hiện trường. Tại đây, hàng loạt cây bằng lăng, dầu rái, sến mủ có đường kính hơn nửa mét bị đốn hạ, nằm trơ gốc. Nằm bên cạnh là những phách gỗ, hộp gỗ đã bị lâm tặc cưa xẻ, nhưng chưa kịp tẩu tán hết. Sau khi phát hiện, các nhân viên bảo vệ rừng Sa Mai đã báo cáo về cấp trên.
Ông Nguyễn Tấn Hào, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Sa Mai nói: “Anh em tuần tra và báo cáo về lãnh đạo xử lý. Bây giờ đã xảy ra rồi, tổ chức tuần tra liên tục, triển khai lực lượng 24/24 trên khu vực rừng giáp ranh.”
Tháng 12 vừa qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy đã lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra, xác minh hiện trường. Đợt kiểm tra vào ngày 3 tháng 12, xác định tại tiểu khu 73A thuộc lâm phần quản lý của trạm Sa Mai, 42 gốc bằng lăng với trữ lượng hơn 49 m3 bị các đối tượng khai thác trái phép. Tại tiểu khu 79 thuộc quản lý của trạm Đại Ninh, 16 gốc với trữ lượng 23,9 m3 cũng bị đốn hạ.
Trong hai đợt kiểm tra vào ngày 16 và ngày 20/12, tổ công tác xác định tại tiểu khu 73A có thêm 29 cây bằng lăng, 4 cây dầu rái, 2 cây sến mủ và 1 cây trâm bị khai thác trái phép với tổng trữ lượng gỗ hơn 63m3 (mét khối). Một số đã được vận chuyển trót lọt, một số khác đang còn nằm tại hiện trường.
Ông Phan Văn Minh, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận nói: “Khi phát hiện ra những điểm nóng, đơn vị chúng tôi cũng chia nhỏ ra các tổ chốt tại khu vực giáp ranh. Đã thực hiện được 3 tổ chốt hiện nay đang canh giữ các con đường trọng điểm mà bọn lâm tặc vào rừng. Thực tế, việc ngăn chặn bắt phương tiện hay giữ người, thì điều này quá sức tưởng tượng của chúng tôi.”
Hiện còn hơn 35 m3 gỗ bị khai thác trái phép lâm tặc chưa kịp vận chuyển, còn nằm lại trong rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ động của tỉnh ra hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý điểm nóng, bảo vệ hiện trường, chờ cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án phá rừng trái phép.
Rừng phòng hộ Sông Lũy rộng hơn 23.000 héc-ta, trong đó, khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng là rừng thường xanh còn trữ lượng gỗ rất lớn. Do vậy, các đối tượng lâm tặc ở tỉnh Lâm Đồng thường xuyên qua đây khai thác trái phép. Địa hình đồi núi hiểm trở, địa bàn rộng, các đối tượng lâm tặc vừa đông vừa manh động, trong khi đó lực lượng cắm chốt ở đây rất mỏng, nhưng lại thiếu công cụ hỗ trợ, nên khó ngăn chặn nạn phá rừng. Tình trạng chống đối lực lượng bảo vệ rừng trong thời qua cũng rất đáng báo động. Gần đây nhất là vào đêm 11 tháng 12 vừa qua, các nhóm lâm tặc ngoan cố chống người thi hành công vụ, giải thoát cho hai xe chở gỗ ở trạm Đại Ninh và trạm Sa Mai.
Nói về thực trạng chung, ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng tổ cơ động, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cho biết: “Chúng tôi đi chỉ có mấy gậy điện thôi, mà trong lúc đó đương sự nó rất manh động, nó sẵn sàng chống trả lại và nó có mã tấu, kể cả súng tự chế. Nên khi sáp vào, nó hầu như khống chế lực lượng bảo vệ rừng. Thứ hai nữa, nó gần với khu dân cư dân Ninh Loan của Đức Trọng, nên quá trình ngăn chặn rất khó và hầu như chúng tôi bất lực với lực lượng này.)
Rừng phòng hộ Sông Lũy giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng kéo dài hơn 50 cây số trên địa hình đồi núi hiểm trở. Những đối tượng phá rừng thường sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng các loại vũ khí tự chế, đe dọa tính mạng của các nhân viên bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng ở đây vừa mỏng vừa thiếu công cụ hỗ trợ, do vậy, nếu có phát hiện, cũng không thể khống chế các nhóm lâm tặc có tổ chức đến từ Lâm Đồng. Với tình hình như thế, vào mùa khô, nhất là thời điểm gần tết Nguyên đán Ất Mùi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp trong công tác bảo vệ rừng”.