ThienNhien.Net – Thấp thỏm, lo âu là tâm trạng của hàng nghìn hộ dân sống hai bên bờ nơi thượng nguồn con sông Ngàn Sâu, đoạn chảy qua huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trước sự xâm lấn của dòng sông vào làng mạc, ruộng đồng. Sau mỗi trận lũ, hàng trăm mét đất sản xuất, đất vườn, cây ăn quả, cây cổ thụ và nhà cửa bị cuốn trôi.
Sông lấn làng
Theo chân ông Trần Xuân Lý – Chủ tịch UBND xã Hương Trạch thị sát thực tế mới hiểu được nỗi lo của chính quyền và nhân dân nơi đây trước sự tàn phá ghê gớm của dòng sông. “Xã Hương Trạch là địa phương bị sạt lở mạnh nhất, với khoảng 3km chiều dài bờ sông, trong đó có 7 xóm với 1.200 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Xã đã mất hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp” – ông Trần Xuân Lý cho biết.
Ông Cao Kim Thiêm (thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch) buồn bã: “Vườn nhà đã bị sông lấn hơn 2/3, có nơi điểm sạt lở chỉ còn cách nhà chưa đầy 3m. Vườn nhà chị Nguyễn Thị Hường với diện tích hơn 3 sào kề sát vườn tôi nhưng mùa lũ năm 2013 nước đã cuốn trôi cả nhà cửa, vườn bưởi… nên gia đình đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Xóm này đã có 6 gia đình phải chuyển đi nơi khác”.
Theo ông Trần Xuân Lý, lũ ở đây thường lên nhanh nhưng rút cũng nhanh nên kể từ khi có Thủy điện Hố Hô (năm 2007), dòng chảy sông Ngàn Sâu bị thay đổi, và sạt lở bờ sông diễn ra phức tạp hơn. Mùa nắng dòng sông cạn trơ đáy do thủy điện tích nước, mùa mưa nước lớn lại cộng thêm thủy điện xả lũ dồn dập gây nên những trận đại hồng thủy, dòng sông trở nên hết sức hung dữ.
Bà Phan Thị Minh (86 tuổi, thôn Hương Giang, xã Lộc Yên) lo lắng: “Tôi sống ở đây gần hết đời người rồi, năm nào cũng có lũ nhưng chưa khi nào bờ sông lại sạt lở mạnh như những năm gần đây. Gia đình tôi đã mất hơn 2 sào vườn”.
“Từ năm 2012 đến nay toàn xã bị mất hơn 3ha đất sản xuất; khoảng 1,2ha đất vườn và khoảng 7 – 8 hộ nguy cơ trực tiếp phải di dời. Điểm sạt lở vào làng nơi sâu nhất khoảng 60m, chỗ nông nhất cũng khoảng 30m”- ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Yên chia sẻ.
Chờ giải pháp
Trước thực trạng này ông Ngô Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Sông Ngàn Sâu, đoạn chảy qua địa phận huyện đang ngày càng diễn biến phức tạp. Tuy nhiên để hạn chế, khắc phục được tình trạng này thì phải xây bờ kè kiên cố. Nhưng như vậy đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong lúc kinh phí địa phương không có mà phải chờ sự hỗ trợ của cấp trên”.
Theo ông Ninh, giải pháp trước mắt là các xã phải lập kế hoạch quy hoạch để di dời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Đồng thời có biện pháp bảo vệ rừng đầu nguồn và thảm thực vật để giảm lưu tốc dòng chảy đổ về các sông khi có mưa lũ xảy ra. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác đất, cát trái phép tại các lòng sông. UBND huyện kêu gọi các nguồn tài trợ để đầu tư các tuyến kè chống sạt lở.
Còn về lâu dài theo ông Ninh: Để có phương án chỉnh trị dòng sông, đảm bảo ổn định lâu dài, huyện đang đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng các sở ban ngành liên quan lựa chọn đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá hoạt động dòng chảy sông Ngàn Sâu để có giải pháp mang tính lâu dài.
Theo thống kê của Phòng NNPTNT Hương Khê, hiện nay trên địa phận huyện dọc theo bờ sông Ngàn Sâu có hơn 20km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của khoảng 1.232 hộ dân và hơn 258ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn có khoảng 150m đường giao thông nông thôn, 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học bị ảnh hưởng của sạt lở bờ sông. |