ThienNhien.Net – Với trữ lượng gỗ phong phú cùng nhiều loại lâm sản quý hiếm, khu vực rừng phòng hộ Lán Tranh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng đang trở thành “miếng mồi” béo bở của các đối tượng “lâm tặc”, biến nơi đây trở thành điểm nóng của nạn phá rừng.
Từ trung tâm xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), dưới sự hướng dẫn của một cán bộ lâm nghiệp địa phương, chúng tôi vượt qua quãng đường đèo dốc gần 10km đến Tiểu khu 286A rừng phòng hộ Lán Tranh. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những khoảnh rừng vừa bị “cạo trọc” cùng nhiều khúc gỗ lớn nằm lăn lóc bên vệ đường. Càng vào sâu trong rừng, mức độ tàn phá càng nghiêm trọng. Tại lô E, khoảnh 1 của tiểu khu, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh tan hoang. Cả một khu rừng nguyên sinh rộng lớn với hàng trăm cây gỗ bị triệt hạ, đổ la liệt. Tại bãi tập kết dưới thung lũng là các phiến gỗ đủ kích cỡ cùng một số gốc cây cổ thụ đã qua sơ chế nằm ngổn ngang. Một cán bộ kiểm lâm của Ban quản lý rừng Lán Tranh (đề nghị giấu tên) bức xúc: “Những gốc cây cổ thụ này là gỗ xá xị, có mùi thơm rất đặc trưng, dùng để chế tác bàn ghế và đồ mỹ nghệ, chiết xuất tinh dầu. Còn những phiến gỗ dài kia là gỗ dẻ, gỗ dổi. Ngay sau khi vận chuyển ra khỏi rừng, chúng sẽ được các đầu nậu thu mua với giá hàng chục triệu đồng một mét khối”.
Từ bãi tập kết, những con đường vận chuyển gỗ như chiếc vòi bạch tuộc chạy đi tứ phía, luồn lách vào sâu những cánh rừng. Lần theo một trong những con đường này, chúng tôi tiếp tục bắt gặp nhiều gốc cây vừa bị cưa cùng nhiều khúc gỗ tròn dài khoảng 2m, đường kính 50-60cm được giấu trong các bụi rậm.
Tiểu khu 286A thuộc địa bàn xã Phúc Thọ (Lâm Hà), giáp ranh với xã Tân Thanh, gần Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (tỉnh Đắc Nông). Tình trạng phá rừng tại tiểu khu 286A đã được cơ quan chức năng địa phương phát hiện từ cuối tháng 11-2014. Qua thống kê, lực lượng kiểm lâm xác định hơn 20m3 gỗ đã bị khai thác, chủ yếu là các loại gỗ xá xị, dổi, dẻ…
Dấu vết tại hiện trường cho thấy, hoạt động phá rừng được tổ chức khá công khai, bài bản. Gỗ trước khi đưa ra khỏi rừng đều được sơ chế bằng máy cưa; đường khai thác, vận chuyển gỗ được mở bằng máy xúc, các loại xe cơ giới có thể di chuyển. Cạnh bãi tập kết có cả lán trại, tại đây chúng tôi gặp hai người đàn ông. Tuy nhiên khi được hỏi thì họ lảng tránh, chỉ nói mới lên đây làm thuê vài ngày, không tham gia chặt gỗ và không biết ông chủ là ai!
Theo một số người dân địa phương, tình trạng phá rừng ở đây đã xảy nhiều năm nay. Cách đây vài năm, các tiểu khu như 293, 294, 291 còn khá nhiều rừng thì nay đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là đồi trọc, rẫy cà phê. Nguyên nhân vì khu vực này có nhiều cánh rừng nguyên sinh với sản lượng gỗ dồi dào, là “miếng mồi” ngon đối với “lâm tặc”. Thời gian qua, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc di cư tự do vào khu vực này phá rừng lấy đất sản xuất cũng khiến cho những cánh rừng ngày càng bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, công tác quản lý lỏng lẻo, việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng “chảy máu” rừng ngày càng nặng nề. Điển hình là vị trí xảy ra phá rừng nằm sát khu đất do bà Vi Thị Thanh Xuyên, ngụ tại thôn 1, xã Tân Thanh, được UBND huyện giao khoán ngày 11-8-2013 theo Nghị định 135/CP-NĐ của Chính phủ. Mục đích giao khoán là để trồng và bảo vệ rừng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, khu đất hiện chỉ được trồng ngô và hồ tiêu. Không chỉ có vậy, hộ này còn dùng máy móc san ủi, bạt rừng, mở đường khiến cho việc khai thác, vận chuyển gỗ của các đối tượng trở nên dễ dàng. Ông Hoàng Xuân Hùng, Thanh tra pháp chế huyện Lâm Hà thừa nhận, việc giao khoán như vậy là lợi bất cập hại.
Ông Dương Thanh Quang, Trưởng trạm Tân Thanh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh, cho biết, công tác quản lý rừng của đơn vị hiện gặp nhiều khó khăn. Ngoài lý do lực lượng, phương tiện mỏng, đơn vị còn vấp phải sự chống đối quyết liệt của các đối tượng “lâm tặc”. Năm 2012, các đối tượng đã đốt phá Trạm Con Ó, đồng thời tấn công cán bộ lâm nghiệp khiến 2 đồng chí là Đặng Khánh Lệ và Nguyễn Quang Tài bị thương. Vừa qua, trạm Băng Bá cũng bị các đối tượng ném đá… Người cán bộ lâm nghiệp dẫn đường cho chúng tôi cho biết, ngay sau khi phát hiện ra vụ phá rừng ở tiểu khu 286A, anh đã bị các đối tượng gọi điện thoại đe dọa.
Theo đại diện Hạt kiểm lâm Lâm Hà, để xảy ra tình trạng phá rừng ở Tiểu khu 286A, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh. Hạt kiểm lâm đang phối hợp với công an, viện kiểm sát tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.
Tình trạng phá rừng ở Lán Tranh là khá nghiêm trọng. Dư luận hy vọng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn nạn “chảy máu” rừng trên địa bàn.