ThienNhien.Net – Bao đời nay, tập tục sinh hoạt của người Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) gắn liền với rừng núi nên người dân xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của họ. Dù thù lao chẳng được bao nhiêu, nhưng hơn 120 hộ dân nơi đây vẫn rất nhiệt tình tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Họ thay nhau “ăn dầm, nằm dề” trong các khu rừng, chịu đựng gió rét, hiểm nguy rình rập từ nhiều phía chỉ để bảo vệ từng cây gỗ, con thú khỏi bàn tay của kẻ hám lợi.
Trắng đêm tuần tra rừng
Để nhìn tận mắt thấy cảnh người Mạ ở xã Đắk Som tham gia bảo vệ rừng, chúng tôi bất ngờ đột kích vào Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Thấy chúng tôi, ông Lê Quang Dần, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, ngạc nhiên: “Các anh muốn vào rừng với các hộ nhận khoán ư? Vất vả lắm đấy”. Nói xong, vị giám đốc này gọi điện cho ai đó rồi quay sang bảo chúng tôi: “Hiện có một tổ liên ngành gồm kiểm lâm và các hộ nhận khoán khu bảo tồn đang phối hợp tuần tra tại các khu rừng giáp ranh giữa khu bảo tồn và Trạm thực nghiệp Lâm nghiệp Đắk P’lao. Họ đang dựng lán trại ở Tiểu khu 1751, các anh chuẩn bị đồ đạc rồi đi”. Đúng 16 giờ, 2 chiếc xe gắn máy với phần bánh được quấn xích gầm rú từ từ tiến đến. Anh K’Phương (36 tuổi, xã Đắk Som) chở tôi đi tiên phong. Trời mưa, đường lên Tiểu khu 1751 nhão nhoẹt, có đoạn lún sâu tới gần nửa bánh xe. Xe chúng tôi ì ạch vượt qua quãng đường hơn 15km lầy lội, dốc cao chót vót.
Khoảng 18 giờ, chúng tôi có mặt tại lán của họ. Lán rộng 15m², gồm 1 tấm bạt che ở trên và 1 tấm bạt lót dưới đất. 11 con người đang tất bật nhóm bếp, vo gạo, người đi gùi nước, rửa rau rừng… đón khách phương xa. Bữa cơm tối giản dị gồm 1 nồi cơm khê, 1 nồi canh rau bép và 1 ít thịt mỡ kho. Đến 19 giờ, ông Trần Quốc Toàn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 1 của Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng ra hiệu cho anh em bắt đầu tuần tra. Từ lán, tổ men theo con đường mòn đi tuần sang các tiểu khu 1767, 1793… Đang đi, một tiếng động mạnh vang ầm ầm. K’Phương cúi người, tai áp xuống đất. “Âm thanh vọng từ phía trước, cách chỗ mình đứng mấy trăm mét thôi”, K’Phương thông tin. K’Phương đi sát tôi, anh phỏng đoán: “Tiếng động có thể do bọn săn thú tạo ra đấy”. Càng đến gần, tiếng động rõ mồn một hơn. K’Phương áp sát, tay cầm đèn pin dọi vào lùm chuối. Từ bên trong, 2 chú heo rừng thấy ánh đèn vội vã xộc thẳng ra ngoài khiến K’Phương giật thót mình. Tại ví trí 2 chú heo rừng trú ngụ, nhiều vạt cỏ nèm bẹp dí, có cây chuối bị húc ngã xuống đất. K’Phương thanh minh: “Thủ phạm là cặp heo rừng đấy. Chúng làm mình cứ tưởng…”. Tổ tuần tra tiếp tục đi qua quanh các tiểu khu khác trong khu bảo tồn. Đến 21 giờ 30, trời đổ mưa lất phất và anh Toàn cho mọi người rút về.
Về lán, mọi người cùng nhau ngồi cạnh đống than để sưởi ấm. K’Min (37 tuổi, xã Đắk Som) vội cởi chiếc áo khoác đang mặc treo cạnh bếp than. “Lúc đi chỉ mang một cái. Giờ áo ướt, mình phải sấy để mai có cái mặc”, K’Min giải thích. K’Bun (44 tuổi, ở xã Đắk Som) loay hoay chạy vào lán lấy bắp ra nướng. Những quả bắp xanh rờn cho vào than hồng bỗng chốc hóa đen. K’Bun bóc vỏ, rồi lần lượt chuyển cho các thành viên. Nhiều quả bắp nướng còn sống, hoặc cháy đen nhưng ai nấy đều ăn ngon lành. “Đi rừng mau đói lắm, bởi thế anh em có gì ăn được là mang theo để ăn”, K’Bun phân bua. Không thấy K’Phương bên bếp lửa, tôi hốt hoảng quay sang hỏi mọi người. K’Bun vỗ vai cười: “Lúc nãy nó về cùng mình. Chắc lại chạy lên đồi để bắt sóng đó”. Lát sau, K’Phương quay lại lán, miệng thở hổn hển phân bua: “Mình nhớ vợ, nhớ con nên trèo lên đồi để gọi về cho gia đình ấy mà”. Trời về khuya, màn sương phủ dày đặc, khí trời rét buốt đâm thấu da thịt. Mọi người lần lượt chui vào lán ngủ. Từng đàn muỗi bay vo ve khắp lán. Tiếng bàn tay đập muỗi bồm bộp vang liên hồi. Bên ngoài, bếp than hồng cũng đã tắt lụi.
5 giờ sáng hôm sau, tổ lại lên đường tuần tra theo hướng về phía bìa rừng. Từ góc rừng, tiếng cưa lốc gầm rú liên hồi. Xác định lâm tặc đang “xẻ thịt rừng” tại Tiểu khu 1780 (thuộc lâm phần của Trạm thực nghiệm lâm nghiệp Đắk P’lao), tổ tức tốc vượt 4km rừng tiến đến. Càng áp sát, hình ảnh lâm tặc cầm cưa xăng phá rừng làm rẫy lù lù trước mặt. Tổ chia thành 2 nhóm khóa chặt 2 đầu. Khi kẻ gian mải mê chặt gỗ thì tổ bất ngờ ập vào. Đối tượng hốt hoảng vứt cưa xăng vùng chạy thì lập tức bị tóm gọn. Một thành viên tước con dao, những người khác áp giải đối tượng lên con đường mòn. Tại hiện trường, hàng loạt cây gỗ to, nhỏ bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Nhiều cây rừng khác bị cưa nửa thân nhưng vẫn chưa ngã, nằm trơ trọi giữa vạt rừng bị “xẻ thịt”. Lát sau, K’Phương chở tôi cùng các đồng chí Công an xã Đắk Som áp giải đối tượng ra bàn giao cho cơ quan chức năng. K’Min ở lại cùng tổ tiếp tục tuần tra bảo vệ rừng.
“Dù nguy hiểm cũng bảo vệ rừng”
Chúng tôi kể lại chuyện bắt gặp những con thú, những cây đại thụ quý hiếm mọc đầy rẫy trên dọc đường tuần tra, ông Lê Quang Dần xoa tay: “Công của các hộ nhận khoán lớn lắm đấy. Không có họ, chúng tôi không thể bảo vệ rừng toàn vẹn được đâu”. Ông Dần chứng minh: “Khu bảo tồn đang quản lý gần 20.000ha rừng đặc dụng. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm của đơn vị chỉ có 22 người, thiếu gần một nửa so với quy định. Xung quanh khu vực chỉ còn khu bảo tồn là còn nhiều gỗ quý nên khu rừng trở thành miếng mồi ngon cho lâm tặc xâu xé. Vì thế, dù đơn vị có “ba đầu sáu tay” cũng không thể quán xuyến hết được”.
Vị giám đốc này tiếp lời: “Những hộ dân chúng tôi giao khoán đều sống dưới chân núi Tà Đùng. Lâm tặc muốn vào rừng phải vượt qua “xác” của họ trước. Trên thực tế, các hộ nhận khoán từng lập rất nhiều chiến công như: Tham gia bắt đối tượng săn thú cùng tang vật là 2 con dúi vào tháng 5-2014, phối hợp cùng kiểm lâm bắt đối tượng phá rừng vào tháng 7-2014… Mới đây nhất, họ phối hợp cùng tổ liên ngành bắt giữ đối tượng phá rừng làm rẫy ở Tiểu khu 1780. Ngoài ra, cũng chính họ đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời hàng chục vụ việc lâm tặc mang cưa xăng vào rừng để xâm hại. Trong 5 năm qua, tại những diện tích rừng dễ bị xâm hại được giao khoán cho các hộ dân quản lý, diện tích rừng bị lấn chiếm chưa đến 9ha”.
Việc giao khoán được Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng áp dụng từ nhiều năm nay, riêng năm 2014, đơn vị đã giao khoán cho 167 hộ dân (đồng bào chiếm 95%, trong đó xã Đắk Som có 121 hộ) với tổng diện tích gần 8.000ha. Trung bình, mỗi hộ nhận khoán 35ha với tiền công 200.000 đồng/ha/năm. Ông Dần khoe: “Các hộ dân nhận khoán xã Đắk Som trồng cà phê, mì, bắp, cuộc sống còn nghèo khó nhưng họ rất nhiệt tình tham gia bảo vệ rừng. Khi chúng tôi lập danh sách nhận khoán, rất đông người dân đăng ký tham gia. Lý do ngoài việc có thu nhập, tập tục sinh hoạt của người mạ ở xã Đắk Som rất yêu rừng và coi trọng việc bảo vệ rừng”.
Mang chuyện “yêu rừng” kể với các hộ dân, anh K’Phương gật gù. Theo K’Phương, để nhận được số thù lao trên, mỗi tháng anh phải tham gia đi tuần 3 – 4 lần, mỗi lần ăn dầm nằm dề trong “rừng thiêng nước độc” từ 2 – 3 ngày. “Công việc cực kỳ vất vả, thường xuyên bị muỗi hút máu, sên cắn, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Rồi lâm tặc bây giờ rất hung dữ, chúng có thể tìm chúng tôi trả thù khi lợi ích bị xâm hại. Chừng đó thu nhập, chúng tôi có thể kiếm được việc làm thêm khác nhẹ nhàng, đỡ nguy hiểm hơn nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn tham gia giữ rừng. Chuyện bảo vệ rừng đã được già làng căn dặn, bậc con cháu phải nghe theo”, K’Phương kể. Chúng tôi nhắc lại câu chuyện tổ nhận khoán ở Vườn Quốc gia Bạch Mã bị lâm tặc hành hung giữa rừng, anh K’Bun chau mày: “Chuyện đó tôi có nghe. Cơ mà bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước cho bản làng mình. Dù vất vả, hiểm nguy nào cũng phải bảo vệ”.
Để hiểu rõ hơn về tập quán của người mạ xã Đắk Som, K’Phương dẫn chúng tôi tìm gặp già K’Cha (94 tuổi, ở thôn 5). Nghe chúng tôi nhắc đến rừng, ánh mắt già K’Cha bỗng rực sáng: “Rừng là rừng thiêng và đều có thần rừng canh giữ. Buôn làng bảo vệ rừng sẽ được thần rừng che chở, ngược lại sẽ bị phạt vạ, lúc đó phải làm lễ xin tội với thần rừng”. Theo già K’Cha, từ nhiều năm về trước, gỗ trên núi Tà Đùng nhiều lần bị kẻ gian cắt trộm, dân trong bản năm đó đau ốm, mất mùa. Già K’Cha huy động dân làng 2 lần mang trâu vào vị trí cây rừng bị chặt để xin tội. Lễ xin tội diễn ra vào buổi sáng, dưới sự góp mặt của người dân toàn buôn. Khi đồ cúng được bày biện giữa rừng, người dân tổ chức đánh chiêng. Tại lễ, già K’Cha thay mặt buôn làng nhận lỗi, đồng thời cầu mong thần rừng bỏ qua, đừng làm người trong buôn ốm đau, mất mùa. Từ đó về sau, già K’Cha luôn căn dặn hậu bối phải biết bảo vệ, tránh xâm hại đến rừng. “Bây giờ già đã yếu, không còn mang trâu đi cúng nữa. Giờ già chỉ muốn người ta sống hòa thuận với rừng để cuộc sống người trong buôn được yên ổn thôi”, già K’Cha nghẹn ngào.