ThienNhien.Net – Dù Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) tự tin năm 2015 nguồn điện quốc gia sẽ được bổ sung thêm gần 2.590 MW, thế nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn cảnh báo nguy cơ thiếu điện, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam do một số nhà máy điện mới chưa đi vào hoạt động, trong khi EVN buộc phải ưu tiên vào các dự án cấp bách cần triển khai trước.
Khi công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện của năm 2014 và dự báo tình hình năm 2015, ông Đinh Quang Tri- Phó tổng giám đốc EVN cho rằng nguy cơ thiếu điện tại các tỉnh/thành phía Nam vẫn tiềm tàng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, ngoài lý do một số nhà máy điện mới chưa thể đi vào hoạt động thì EVN phải dồn sức cho các dự án cấp bách khác trong năm nay, như: dự án điện Vĩnh Tân 2; các nhà máy điện Duyên Hải 1-3 mở rộng để bù khoảng 3000 MW nguồn điện đang thiếu hụt. Đại diện lãnh đạo EVN còn cảnh báo, nếu thiếu điện thì nhiều khả năng đơn vị này phải tính toán thay bằng chạy dầu tại một số nhà máy và do đó chi phí chắc chắn sẽ tăng cao hơn mọi năm. Kể cả việc Cục Điều tiết điện lực thông tin năm nay sẽ có thêm 8 tổ máy thuộc các nhà máy nhiệt điện đi vào vận hành, tuy nhiên các chuyên gia ngành điện cũng không khỏi lo lắng nguồn bổ sung này không đủ bù lấp nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng trên cả nước. Đây là lo lắng có cơ sở, bởi vì nhu cầu điện năm 2015 được dự báo sẽ tăng khoảng 10% so với năm qua. Do đó, để đảm bảo đủ phân phối cho nhu cầu của năm nay thì chắc chắn EVN và từng địa phương phải có sự đồng bộ trong phối hợp đẩy nhanh các dự án nguồn điện đúng tiến độ; bên cạnh các biện pháp tuyên truyền tiết kiệm điện có hiệu quả khu vực công và điện sinh hoạt để giảm bớt gánh nặng tại các khu vực sản xuất, kinh doanh.
Năm nay cũng được dự báo vô vàn khó khăn bởi vì theo kế hoạch năm 2015 sẽ là năm hết hạn hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc, trong khi EVN cũng phải tính toán giảm tổn thất điện năng cả nước xuống 8%, nghĩa là tiết kiệm tương đương 1,5% điện thương phẩm trong nước. Riêng đối với khu vực các tỉnh phía Nam hiện có nhu cầu phụ tải điện chiếm tỷ trọng đến 50% nhu cầu của cả nước. Nhất là việc khai thác cung cấp nguồn khí đốt ngoài khơi cho sản xuất điện hiện nay còn hạn chế, các tỉnh/thành phía Nam vẫn phải chủ động xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than để dự phòng trong trường hợp nguy cơ thiếu điện xảy ra. Dù vậy, thực tế cho thấy do điều kiện địa hình bất lợi, hệ thống vận chuyển than xa hàng ngàn cây số cũng đang khiến nhiều công trình/nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tại các tỉnh/thành phía Nam rơi vào tình trạng “treo” so với kế hoạch, dẫn đến khả năng thiếu điện cao vẫn thường trực trong vài năm tới đây.
Trong khi chờ đợi sự điều tiết của ngành điện lực nước nhà, cũng như các Ban ngành liên quan thì hiện nay Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương tìm kiếm các hướng giải pháp khác nhau nhằm giải “cơn khát” năng lượng trên bình diện cả nước. Đó là các dạng thức năng lượng mới thân thiện với môi trường, mà xu thế hội nhập đang thực sự mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trong lĩnh vực này. Sự kiện đầu tiên chúng ta có thể thấy là ngay đầu năm nay, Hà Lan – quốc gia thành viên EU tiếp theo quyết định đổ vốn lớn vào ngành điện tại Việt Nam. Tính đến nay, với 3 dự án lớn được công bố, gồm: Nhiệt điện Mông Dương 2, dầu khí Nam Côn Sơn và dự án Điện lực BOT Phú Mỹ 3, thậm chí Hà Lan đã vươn lên là nước số 1 của khu vực EU đầu tư vào nước ta. Trước quốc gia này, vào thời điểm cuối năm 2014, các kỹ sư Việt Nam, chuyên gia Mỹ cũng đã hoàn thành lắp đặt trụ turbin điện gió tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, với đường kính cánh quạt kỷ lục dài đến 42m. Đây là một hạng mục nằm trong dự án điện gió Bạc Liêu, với kỳ vọng đem lại tương lai về năng lượng sạch tại chỗ cho các tỉnh ven biển Tây Nam bộ. Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng có các cuộc thị sát và đánh giá cao tầm nhìn của năng lượng sạch cho khu vực này. Với nỗ lực này của các chuyên gia nước ngoài và kỹ sư, công nhân trong nước, dự kiến đúng vào kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), 20 turbin điện gió sẽ tiếp tục được hòa lưới điện quốc gia. Không chỉ riêng Bạc Liêu, theo Ngân hàng Thế giới, hàm lượng năng lượng mặt trời của các tỉnh ven biển từ Hải Phòng tới Bình Thuận hiện có hàm lượng ánh sáng mặt trời từ 2000 – 2.500 giờ/năm; năng lượng từ sức gió tạo ra điện, nếu quy về công suất điện lên tới 513.360 MW, tương đương với hơn 213 lần nhà máy thủy điện Sơn La mà Việt Nam đang khai thác và gấp 10 lần tổng công suất điện dự báo của EVN cho toàn quốc vào năm 2020.
Thực tế trên cho thấy vẫn còn nhiều kỳ vọng trong bức tranh sáng -tối về khả năng khan hiếm điện tại các tỉnh/thành phía Nam trong năm nay. Dĩ nhiên, mọi người dân đều mong muốn ngành điện sẽ chủ động được công việc của mình. Giống như mơ ước của TS.KS Trần Văn Bình, một trí thức kiều bào từng có 12 năm làm việc tại Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt quốc gia DEMINEX/VEBA OIL (Đức), rằng: Trong một tương lai không xa, bờ biển trải dài dọc theo đất nước, đầy nắng chiếu và lộng gió của quê hương ta sẽ càng đẹp hơn với những cánh quạt gió, và dòng điện được tạo ra từ sức gió ấy sẽ hòa vào lưới điện quốc gia.