ThienNhien.Net – Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh trong loạt bài: “Du lịch Tây Nguyên: Những điều trông thấy”, năm 2005, UBND tỉnh Đắc Lắc giao cho Cty cao su Đắc Lắc hơn 1.300 ha rừng sinh thái để kinh doanh du lịch. Đến năm 2013, Cty Cao su Đắc Lắc cổ phần hóa Trung tâm du lịch sinh thái Bản Đôn thành Cty Cổ phần Thương Mại và Du lịch Bản Đôn. Từ lúc chuyển sang Cty cổ phần, việc kinh doanh du lịch kém hiệu quả. Cty không đủ nhân viên bảo vệ rừng nên khu rừng sinh thái ngày đêm bị lâm tặc”mần thịt” không thương tiếc. Trong những ngày cuối năm, chúng tôi lại đột nhập khu rừng sinh thái nói trên và ghi nhận một thực tế đau lòng là khu rừng vẫn đang tiếp tục bị tàn phá một cách công khai theo kiểu “hết nạc vạt đến xương”.
Từ cổng khu du lịch sinh thái đi vào hơn 100m, chúng tôi rẽ phải chạy vào con đường đất. Ngang qua khu vực chăn thả bò, ập vào mắt là 1 bãi gỗ lớn gồm khoảng 10 cây gỗ căm xe (nhóm II), cà chít (nhóm IV) bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Qua đo đạc, những cây gỗ quý có đường kính từ 20 đến 40 cm đã bị cắt thành từng khúc. Một số gỗ lâm tặc đã tẩu tán, số còn lại được chúng gửi lại chờ cơ hội sẽ đưa đi tiêu thụ. Cành, ngọn nằm ngổn ngang.
Chúng tôi tiếp tục xâm nhập khu rừng sinh thái theo hướng từ đồi Tâm Linh. Đi vào bên trong, một khung cảnh rừng tan hoang lồ lộ hiện ra. Cây gỗ mọc thưa thớt, dưới đất là nhiều khúc gỗ mục nát chứng tỏ đã bị “mần thịt” từ lâu. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi nhẩm đếm có hàng chục cây gỗ quý khác bị cưa hạ. Lâm tặc tác oai tác quái, hoạt động ngang nhiên đến độ sau khi đốn ngã, chúng tiến hành đo đạc kích thước tại chỗ, sau đó dùng cưa xẻ thành từng lóng gỗ tròn rồi tìm cách mang đi. Tiếp tục di chuyển, chúng tôi lại phát hiện nhiều cây gỗ bị “xẻ thịt” khác. Điều đáng nói là có những cây gỗ còn rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 25 cm nhưng lâm tặc vẫn không buông tha. Những cây gỗ vừa bị chặt này đã bị lâm tặc lấy hết gỗ mang đi, chỉ còn lại những gốc cây ứa nhựa đỏ bầm như máu, nhiều bãi cành ngọn vẫn còn tươi… Thấy chúng tôi thắc mắc, chị V., người dẫn đường phân bua: “Có gì lạ đâu. Rừng không có ai bảo vệ thì lâm tặc dễ dàng tàn phá. Khi phá hết gỗ to thì chúng phải “ăn” gỗ nhỏ. Quy luật tất yếu thôi mà”.
Qua quan sát, hầu hết những cây gỗ bị lâm tặc nuốt chửng thì phần gốc chưa hề có bút lục của lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng. Một điều được chúng tôi phát hiện trong suốt chuyến đi là nếu như những lần trước, lâm tặc sử dụng xe máy, xe cày độ chế để vận chuyển gỗ ra khỏi bìa rừng tập kết trước khi lợi dụng thời điểm chiều tối hoặc ban đêm để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ thì lần này chúng dùng cả voi. Trong lúc đi thực địa tại khu rừng, chúng tôi phát hiện một nài voi đang điều khiển voi đi về hướng những điểm khai thác gỗ mà chúng tôi đã phát hiện. Thấy chúng tôi cầm máy ảnh, nài voi vội vàng xua voi đi ngược vào lùm cây. Chúng tôi giả vờ gọi xin nước uống nhưng nài voi không lên tiếng, cả voi và người nhanh chóng biến mất dạng.
Mang nỗi bức xúc về Khu rừng Sinh thái Bản Đôn liên tục bị lâm tặc xâu xé, ông Y Thông Niê Kdăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na nói: “Cty bất lực rồi, giờ chỉ còn một số nhân viên để bảo vệ tài sản trong khu du lịch chứ không có ai bảo vệ rừng. Trong khi chờ các cơ quan chức năng thu hồi diện tích rừng trên để giao cho đơn vị khác, ngành chức năng của huyện Buôn Đôn đành phải phối hợp với lực lượng công an và dân quân tự vệ xã Krông Na tạm thời phụ trách công tác quản lý, bảo vệ khu rừng này”.
Trong suốt chuyến đi, chị V., người dẫn đường liên tục chau mày: “Rừng được ví là lá phổi xanh. Ở Khu rừng sinh thái Bản Đôn, lá phổi đang bị lâm tặc ngày đêm đục khoét. Tình trạng này cứ diễn ra, sớm muộn lá phổi xanh cũng sẽ bị đâm thủng thôi”.