ThienNhien.Net – Bất kể đêm hay ngày, dưới cái nắng nóng 39 – 40oC hay đêm giá rét chỉ vài độ C, với những nguy hiểm luôn cận kề giữa rừng thiêng nước độc, những cán bộ thực địa vẫn mang ba lô trên lưng, băng rừng lội suối để đi tìm những loài động vật hoang dã, những loài có tên trong sách đỏ để phục vụ cho công tác bảo tồn.
Sống chung hiểm nguy
“Lúc ấy là khoảng nửa đêm, trời tối đen như mực. Mình lò dò đi trước, mải rọi đèn tìm rùa thì một đồng nghiệp ú ớ kêu lên. Nhìn xuống, thấy con rắn cạp nia, mình vằn vện, to bằng bắp tay đang ngóc đầu ngay dưới chân. Mình đứng im, rồi từ từ nhảy qua nên “thoát” nạn. Loại này cực độc, chỉ cần bị cắn một nhát thì cũng khó có khả năng sống sót…”, anh Nguyễn Tài Thắng, cán bộ nghiên cứu thực địa của tổ chức Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) mở đầu câu chuyện “đi rừng” khi đưa chúng tôi đi thực địa tại rừng Cúc Phương (Ninh Bình).
Anh Thắng kể, nhiều người nghĩ chỉ là kiểm lâm hay lâm tặc mới vào rừng, chứ làm gì có mấy ai “dở hơi” lại đâm đầu vào rừng làm gì. Nhưng đối với những cán bộ làm công tác bảo tồn thì nhất định phải vào rừng, để tìm các loài, tìm hiểu và bảo tồn chúng một cách tốt nhất trong tự nhiên.
Dáng người hơi đậm, làn da nâu rắn rỏi, đôi bàn tay chai sần vì thường xuyên mang vác nặng, anh Thắng thoăn thoắt leo qua những đoạn đường rừng, trong khi chúng tôi vừa đi vừa thở. Những người đi rừng như anh đều đã đi qua hầu hết những cánh rừng ở Việt Nam, từ Bắc chí Nam, như Xuân Nha (Sơn La), Phù Hu (Thanh Hóa), Cúc Phương (Ninh Bình), Pù Mát (Nghệ An), Sao La (Huế), Đèo Cả (Phú Yên) rồi U Minh Hạ (Cà Mau)… để tìm các loài động vật hoang dã, các loài có tên trong sách đỏ như các loại rùa quý, voọc xám, sơn dương… Thế nên, những đoạn ven rừng với anh cũng như đường bằng.
Mỗi chuyến đi rừng thường có từ 7 – 8 người, gồm hai chuyên gia, một kiểm lâm và 5 người dân địa phương dẫn đường và kéo dài từ 8 – 20 ngày. Mỗi người phải đem theo rất nhiều đồ đạc từ quần áo, chăn màn, võng, lều bạt, thuốc, máy móc thiết bị cho đến gạo, rau củ, đồ ăn… nên thường phải “cõng” ba lô nặng 30 – 40 kg. Anh Phạm Văn Thông, một cán bộ của ATP cho biết: “Bình thường đeo ba lô nặng 30 – 40 kg đã rất vất vả, nhưng đi đường núi từ 10 – 12 tiếng mỗi ngày thì sức nặng của 30 – 40 kg thành như 50 – 60 kg. Có những cuộc đi, để đảm bảo đủ chất, đoàn mang theo mấy con vịt buộc ở sau ba lô, đi mà cứ nghe tiếng vịt cạp cạp sau lưng. Nhưng rồi đi rừng vất quá, đến vịt cũng phải ngưng không kêu mà giữ sức, còn người thì vẫn cứ băng rừng mà đi. Người không có sức khỏe thì khó có thể tham gia những chuyến này”.
Tùy đặc tính của từng loài mà có cách tìm khác nhau nhưng đa phần các cuộc tìm kiếm thường diễn ra vào ban đêm. Chuyện bị trượt ngã trên núi hay bị đá rơi trúng người, bị thương là chuyện thường. Nhưng nỗi “ám ảnh” nhất là gặp rắn và vắt, mà hầu hết những người đi rừng đều phải trải qua. Những người đi rừng kỳ cựu vẫn bảo, rợn nhất là đi rừng U Minh Hạ (Cà Mau), nơi đây rắn nhiều vô kể, đủ loại, có những con trăn dài hơn một mét. Có anh tối mắc võng ngủ, rắn cũng chui vào ngủ cùng. Nếu là rắn thường thì không sao, chứ gặp một số loài rắn cực độc như con cạp nia mình đã kể suýt dẫm phải thì chỉ có cách chặt bàn tay, bàn chân, nếu không độc tố đi vào tim, khó giữ được tính mạng”, anh Thắng rùng mình nhớ lại.
Không chỉ rắn mà vắt cũng là “bạn đồng hành” trong hầu hết các chuyến đi.
Anh Thông kể, vắt ở rừng độc hơn vắt thường, nếu bị vắt cắn mà gỡ ra ngay thì sẽ bị tứa máu, mỗi vết cắn của chúng sẽ tạo thành vết thâm và ngứa cả mấy năm trời không khỏi. Có người bị vắt chui vào cắn khắp người, không ai dám dứt từng con ra vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng có những người suýt bị cưa chân vì vắt như anh Thắng. “Trong chuyến đi Đèo Cả (Phú Yên), mình bị vắt cắn, vết thương cứ tự nhiên lở loét, rồi bị nhiễm trùng nhưng vẫn phải đi tiếp theo đoàn. Đến khi về, bác sĩ chích ống đồng ra hơn một chén mủ và đoán phải cưa chân. Nghe xong mà thấy muốn khóc vì cưa chân thì đi rừng thế nào được. Nhưng may mà chỉ phải nằm liệt giường 20 ngày rồi tập tễnh đi lại được, giờ chân vẫn chắc và khỏe lắm”, vừa nói, anh Thắng vừa hóm hỉnh huơ huơ bàn chân.
Những chuyến đi rừng, ngoài những hiểm nguy cận kề từ thiên nhiên, cũng không ít những hiểm nguy từ chính con người. Có lần, đoàn khảo sát tại Khu bảo tồn Ngọc Sơn, Ngổ Luông (Hòa Bình), vì địa bàn rộng nên chia thành từng top nhỏ, mỗi top 2 người. Anh Thắng cùng một đồng nghiệp gặp một nhóm lâm tặc đang cưa trộm gỗ, thấy người, bọn chúng bỏ chạy. “Vì trong rừng không có sóng điện thoại nên không thể gọi được cho lực lượng kiểm lâm, chúng mình phải tìm cách xử lý 18 khúc gỗ bị lâm tặc cưa trộm. Một lúc sau, bọn chúng quay trở lại, đứng trên đỉnh núi đẩy những tảng đá to xuống, tiếng đá rơi ầm ầm, động cả núi rừng. Hai anh em phải nấp vào gốc cây và tìm cách quay trở về trạm kiểm lâm. May mà không bị đá đè lên, chứ nếu đá từ đỉnh núi rơi vào đầu thì không có cơ sống sót”, anh Thắng kể.
Nhiệm vụ những chuyến đi rừng của cán bộ bảo tồn là tìm các cá thể trong tự nhiên, hiểu sự phân bố, đặc điểm sinh học, sinh thái của chúng, ghi chép làm thành tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu. Việc nghe tưởng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Bởi đi rừng, dường như nó không chỉ đơn thuần là một công việc, mà nó còn là cả một niềm đam mê. Nếu không thật sự yêu thích thì chỉ cần đi 1 – 2 chuyến vất vả mà không tìm được loài nào thì sẽ rất dễ nản.
Nguyễn Thành Luân, một cán bộ của ATP cho biết: “Có lẽ trong các loài, đi tìm rùa là vất vả nhất mà cũng là vui nhất. Số lượng rùa quý cần được bảo vệ hiện còn rất ít, do nạn săn bắt quá nhiều, nên tìm được một con là cả một sự kỳ công. So với nhiều loài khác, rùa có khả năng ẩn nấp rất tốt, chúng không phát ra tiếng động nên để tìm được chúng phải có chó săn đi kèm. Nhiều loài lại sống ở độ cao trên 800 m, vì thế, những chuyến tìm rùa thường phải đi rừng sâu hoặc lên núi cao. Đặc biệt, rùa chỉ xuất hiện vào mùa mưa nên những chuyến vào rừng tìm rùa cũng phải vào mùa đó”.
Mùa mưa lũ ở rừng bao giờ cũng rất nguy hiểm, lũ lên nhanh, rút xuống cũng nhanh, thường ào ạt và đột ngột khiến con người chẳng kịp trở tay. Luân kể: “Có lần đoàn mình đi tìm rùa ở khu vực Quảng Ngãi, liệu trước là mùa bão nên đã dựng lán ở vị trí khá cao, nhưng lũ từ thượng nguồn về, chưa đầy 5 phút đã dâng ngay dưới lán, mọi người cuống cuồng xách đồ chạy lên phía trên. Nhiều đồ đạc bị cuốn trôi mất, người thì mất dép, người thì trôi quần áo, may mà không ai bị sao”.
Các cán bộ bảo tồn vẫn hay ví đi rừng như “đánh bạc”, chuyến nào may mắn thì tìm được một hoặc vài con, nhưng có những chuyến đi cả chục ngày vất vả, cực nhọc nhưng không tìm ra lấy một loài. Hoặc thảng có những chuyến “cả đời không quên”. Đến nay nhắc lại chuyến đi tìm rùa tại Đèo cả (Phú Yên), ánh mắt anh Thắng vẫn lấp lánh niềm vui: “Đó không phải là câu chuyện vất vả hay hiểm nguy, mà đó là cảm giác, hạnh phúc đến tột độ. Vạch từng tán lá, soi từng gốc cây, suốt 8 ngày, đêm nào cũng lần mò dọc theo bờ suối mà không tìm được bất cứ loài nào, ai cũng mệt, không khí có chút trầm lắng. Nhưng rồi tiếng chó sủa vang, tiếng người í ới, hò hét vang rừng, mọi người xúm xít quanh con rùa hộp trán vàng miền Nam mới được tìm thấy, rồi ôm nhau nhảy múa. Với những người đi rừng như chúng tôi, đây thật sự là một “báu vật”, bởi rùa hộp trán vàng rất hiếm, đặc hữu chỉ Việt Nam mới có, mà lại chỉ có ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa”.
Mỗi địa hình lại có những vất vả khác nhau, nhưng dân đi rừng sợ nhất đi rừng núi đá vôi. Núi chỉ toàn đá tai mèo sắc nhọn, không có suối, không có nước ngầm nên thiếu nước trầm trọng. Nhất là ở vùng Pù Luông (Thanh Hóa), núi đá không có lấy một giọt nước. “Đoàn đi khảo sát trong rừng gần chục ngày thì bấy nhiêu ngày không được đánh răng, rửa mặt, tắm thì là điều không tưởng. Trời mùa hè, nắng gay gắt 39 – 40ºC, nước phải uống dè chừng, nhưng được vài ngày là đã hết. Mọi người phải kiếm nước bằng cách chặt ngang cây chuối rừng, rồi khoét lỗ ở giữa thân, để qua một đêm nước từ rễ cây chuyển lên và lắng lại được một “giếng nước” nhỏ trong thân cây. Ra khỏi rừng, thấy nước, ai cũng ào ra như vớ được vàng. Chuyến ấy đi ấy chẳng tìm được gì nhưng đáng nhớ”, anh Thắng hồi tưởng.
Thật thà, chất phác trong từng câu nói, anh Thắng nói về cái nghề của mình rất đỗi thân thương: “Đi rừng nó mê lắm, tìm được một con rùa hay một loài hoang dã thì sẽ muốn đi tiếp những chuyến sau, dù có vất vả và nguy hiểm như thế nào, cứ ở nhà, ở phố lâu lâu là lại “nhớ rừng”.
Ai đó đã từng nói, đam mê giống như ngọn lửa luôn rực cháy trong tim, soi đường, dẫn lối con người trong suốt hành trình cuộc đời. Tôi tin, trong mỗi cán bộ bảo tồn, mỗi người đi rừng lâu năm đều có một ngọn lửa như vậy. Đó là sự khao khát khám phá, là tình yêu đối với những loài động vật hoang dã, mong muốn bảo tồn chúng một cách tốt nhất.