ThienNhien.Net – Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sẽ phát huy tác dụng, khuyến khích người dân và chủ rừng tham gia công tác phát triển rừng nếu triển khai đồng bộ. Thế nhưng, ở Quảng ngãi, đến thời điểm này, chính sách chi trả DVMTR của các doanh nghiệp vẫn ì ạch, gây khó khăn cho các chủ rừng.
Doanh nghiệp “lờ” chi trả DVMTR
Chi trả DVMTR là một chính sách mới, nhằm huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là sự đóng góp từ các cá nhân, tổ chức sử dụng DVMTR, tạo nguồn tài chính quan trọng để phục vụ cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai đối với hai đối tượng thực hiện chi trả DVMTR đó là: Các đơn vị sản xuất kinh doanh thủy điện và các đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch. Đối với thủy điện, hiện có 4 nhà máy công suất dưới 30 MW thuộc lưu vực nội tỉnh đó là thủy điện Nước Trong, Hà Nang, Sông Riềng và Cà Đú; 2 nhà máy thuộc lưu vực của 2 tỉnh: Thủy điện Đakđring công suất 125 MW thuộc lưu vực 3 tỉnh là Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Nam; Thủy điện Định Bình thuộc lưu vực Bình Định, Quảng Ngãi. Đối với đơn vị sử dụng nước sạch: hiện có 4 đơn vị thực hiện chi trả tiền DVMTR: Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước và xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Vinaconec và nhà máy nước khoáng Thạch Bích.
Đến nay, các Đề án chi trả DVMTR cho từng đơn vị có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã được hoàn thành, là cơ sở cho việc chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng. Theo kế hoạch năm 2014, phải nộp trên 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay Quảng Ngãi chỉ mới thu được trên gần 500 triệu đồng, số tiền còn lại phải thu 3,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số tổ chức sử dụng DVMTR nhưng chưa thực hiện chi trả tiền DVMTR là Thủy điện Hà Nang, Thủy điện Cà Đú. Ngoài ra, còn có một số tổ chức sản xuất và cung ứng nước sạch cũng chưa ký hợp đồng trả tiền DVMTR vì đang chờ điều chỉnh giá nước.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến ngày 18/12/2013 thì các đơn vị còn nợ tiền DVMTR của các năm từ 2011-2012 phải khẩn trương ký hợp đồng ủy thác bổ sung và chi trả tiền DVMTR cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay các nhà máy thủy điện vẫn chưa chịu ký hợp đồng bổ sung để chi trả tiền DVMTR năm 2011-2012 cho Quỹ nên cần phải có chế tài để xử lý các đơn vị sử dụng DVMTR chậm nộp hoặc cố tình chiếm dụng tiền DVMTR. Có như vậy, mới thực hiện nghiêm chính sách này, để tạo điều kiện cho các chủ rừng trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Cần có chế tài mạnh tay
Thực tế cho thấy, cùng với các giải pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, chính sách chi trả DVMTR đã phát huy tác dụng, khuyến khích người dân, chủ rừng tham gia công tác phát triển rừng. Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Ngãi, nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhưng phải bảo toàn vốn nhà nước cấp ban đầu.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng và loại dịch vụ phải chi trả DVMTR gồm: Các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất; Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; Các đối tượng phải trả tiền DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Cũng theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, qua khảo sát lập các đề án chi trả DVMTR với diện tích các lưu vực thủy điện và nước sạch là 46.000 ha, thì có khoảng 23.000 ha đủ điều kiện tham gia cung ứng DVMTR, khoảng 5.000 hộ gia đình sẽ được hưởng lợi từ tiền DVMTR, bình quân 200.000 đồng/ha/năm. Đây là một nguồn lực mới góp phần cùng với ngân sách nhà nước thực hiện việc bảo vệ và phát triển rừng.
Dự kiến đến năm 2020, nguồn thu từ các đối tượng sử dụng DVMTR khoảng 13 tỷ/năm, góp phần cùng nguồn ngân sách, thực hiện chi trả cho công tác quản lý bảo vệ rừng khoảng 30.000 ha/năm với hàng chục ngàn hộ gia đình sẽ được hưởng lợi. “Để chính sách này ổn định đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, mà trực tiếp là quản lý bảo vệ rừng, đề nghị các bên sử dụng DVMTR tự giác, và trích nộp đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng theo qui định để kịp thời chi trả cho các chủ rừng” – ông Ngọc nói.