Ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng

ThienNhien.Net – Hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn 3 tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, là công trình điều tiết nguồn nước, xả lũ cho khu vực Đông Nam Bộ. Hiện nay, công trình này đang bị “nạo ruột” bởi tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan. Nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo, nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ đập, hậu quả rất khó lường.

Công khai hút cát trái phép

Trong vai khách du lịch, chúng tôi theo chiếc xuồng máy phóng ra giữa lòng hồ rộng mênh mông khi trời nhập nhoạng tối. Xuồng chạy  chừng 10 phút, trước mặt chúng tôi có khoảng 20 phương tiện đang hút cát. Người lái xuồng chở chúng tôi từ bờ hồ ra khu vực đảo Nhím thuộc huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) dặn kỹ: “Khi gặp các tàu hút cát, các anh cứ giả làm khách du lịch. Nếu biết các anh là nhà báo, chúng sẽ “cấm cửa” không cho tui hành nghề chở khách ở đây”. Khi xuồng đến gần các tàu khai thác cát, chủ xuồng giảm tốc, nói:

– Thời điểm này, các tàu hút cát lậu tập trung hoạt động nhiều nhất. Có nhiều khu vực cát bị khai thác nhiều quá, tạo thành những hố, vực xoáy sâu. Vào những ngày mưa gió, xuồng, ghe nhỏ chạy qua các khu vực này rất nguy hiểm, dễ bị lật.

Quan sát chúng tôi thấy, trên mỗi tàu đều có những đụn cát cao vừa được hút lên, những chiếc ống vắt qua mạn tàu thả xuống mặt nước hút cát, xả ra những luồng nước đục vàng. Khi hút đủ khối lượng, tàu sẽ di chuyển vào bờ để “nhả” hàng ở những bãi tập kết ven hồ.

Trong buổi chiều hôm đó, chiếc xuồng chở chúng tôi chạy một vòng quanh bờ hồ thuộc địa bàn các xã: Suối Đá, Phước Ninh, Phước Minh thuộc huyện Dương Minh Châu và khu vực đập chính hồ Dầu Tiếng. Trong số những bãi cát ở khu vực này, bãi cát Tiên là nơi tập kết quy mô lớn nhất, hoạt động nhiều năm nay. Hai khu vực được xem là “điểm nóng” về khai thác cát là bến K7 (xã Phước Minh) và bến đò Hai Thỏ (ấp Phước Bình 1, xã Suối Đá), cùng thuộc huyện Dương Minh Châu. Khu vực này có trữ lượng lớn cát vàng, chất lượng tốt, nên các phương tiện khai thác cát tập trung rất đông.

Một điểm tập kết cát khai thác trái phép ven bờ hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Song An - Nguyễn Thủy)
Một điểm tập kết cát khai thác trái phép ven bờ hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Song An – Nguyễn Thủy)

Cần phối hợp xử lý triệt để

Thực tế chỉ có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát ở hồ Dầu Tiếng, gồm: Công ty Cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty TNHH TM-DV Dương Đại Lực, DNTN Huy Thiện, Công ty Cổ phần  Xây dựng 40. Cả 4 doanh nghiệp này được khai thác với tổng sản lượng 196.500 m3/năm. Ngoài ra, có thêm 9 doanh nghiệp khác được cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng cát ở những nhánh suối nhỏ.

Một cán bộ thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng diễn ra phức tạp. Các doanh nghiệp cả có phép, cả không phép đua nhau khai thác, cơ quan chức năng không giám sát được khối lượng được giao. Nhiều doanh nghiệp được cấp phép thăm dò nhưng đã vượt quá giới hạn, tự ý khai thác “chui”. Ngoài ra, nhiều cư dân sinh sống ven hồ cũng tham gia khai thác để bán cho các “đầu nậu” kinh doanh cát”.

Tình trạng khai thác cát trái phép ở hồ Dầu Tiếng diễn ra nhức nhối từ nhiều năm nay. Hồ thuộc địa bàn của 3 tỉnh nên các doanh nghiệp, cơ sở khai thác cát thăm dò trữ lượng do cơ quan chức năng của các tỉnh cấp phép. Các tàu khai thác cát lậu dùng thủ đoạn lợi dụng đêm tối, di chuyển và thay đổi địa điểm khai thác, chạy sang địa bàn tỉnh khác để “né” lực lượng chức năng. Đây chính là kẽ hở, được các đối tượng khai thác cát trái phép áp dụng triệt để. Và đó cũng là lý do chính khiến vấn nạn “nạo ruột” lòng hồ Dầu Tiếng không được giải quyết một cách triệt để.

Để bảo đảm an toàn hạ tầng và môi trường nước hồ Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng đã có nhiều văn bản gửi sở tài nguyên và môi trường các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đề nghị rà soát, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát ở khu vực lòng hồ thuộc địa bàn quản lý; yêu cầu công tác khai thác, thăm dò phải đảm bảo các quy trình; khai thác, thăm dò phải có sự giám sát của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa. Tuy nhiên, các đơn vị khai thác cát hiện nay vẫn mạnh ai nấy làm, bất chấp những tác hại đe dọa lòng hồ.

PGS, TS Lương Văn Thanh, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Biển- Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Xử lý nước, cho rằng: Khai thác cát quá gần bờ đập chính sẽ khiến lòng hồ sát bờ đập ngày càng sâu, cộng với các xe tải chở cát chạy trên đê sẽ gây tác động làm phần chân đê bị yếu, hư hỏng, không đảm bảo an toàn. Nếu bờ đập hồ Dầu Tiếng bị vỡ, TP Hồ Chí Minh sẽ bị ngập sâu trên diện rộng, gây tai họa khôn lường.

Để ngăn chặn nạn “nạo ruột” lòng hồ Dầu Tiếng, các ngành chức năng thuộc 3 tỉnh nói trên cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đánh giá tổng quan, xác định những khu vực khai thác và trữ lượng cát, có quy chế phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Đối với các điểm tập kết cát trái phép và các tàu khai thác cát “chui”, lực lượng chức năng cần có chế tài mạnh tay, quyết liệt như tịch thu phương tiện, tránh tình trạng sau mỗi đợt kiểm tra thì tình hình lại “đâu vào đấy” như thời gian qua.