ThienNhien.Net – Thái độ cương quyết của vị tư lệnh ngành NN-PTNT với chủ đầu tư các dự án thủy điện là cần thiết. Và đã được đại diện nhiều tỉnh, thành ủng hộ.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ NN-PTNT với lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên cả nước, khi bàn về tiến độ trồng bù rừng của các chủ đầu tư dự án thủy điện, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã đưa ra lời tuyên bố có tính chất như một “tối hậu thư”, rằng ông đã làm việc và thống nhất với Bộ Công thương, và “Nếu chủ đầu tư, doanh nghiệp nào cố tình hoặc chây ỳ không thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì sẽ phải rút giấy phép hoạt động”.
Sở dĩ Bộ trưởng phải tỏ thái độ cương quyết, dứt khoát như vậy, vì từ năm 2006, Chính phủ đã có Nghị định số 23/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ rừng, trong đó quy định rõ “Cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển đổi”.
Nhưng từ năm 2006 đến nay, tại 55 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã có trên hai ngàn dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, với tổng diện tích rừng cần phải trồng lại 76.040 ha, nhưng các địa phương mới trồng lại được 2.540 ha, tương đương 3,4%, còn phải trồng tiếp 73.500 ha.
Ngoài việc cương quyết đề nghị Bộ Công thương rút giấy phép hoạt động đối với các dự án chây ỳ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT còn đề nghị phạt các dự án chậm trồng bù rừng từ 400 đến 500 triệu đồng chậm 1 năm theo quy định.
Có thể nói, các dự án thủy điện, ngoài việc lấy nước ở thượng lưu các con sông trong mùa khô, khiến lúa và hoa màu ở vùng hạ lưu bị khô khát vì thiếu nước, đồng thời xả lũ về mùa mưa khiến vùng hạ lưu ngập lụt, người chết, tài sản của dân thiệt hại, làm biến dạng sinh thái các dòng sông, còn là những nơi ngốn diện tích rừng nhiều nhất.
Việc trong suốt 8 năm qua kể từ ngày Luật Bảo vệ rừng và Nghị định 23/2006/NĐ-CP ra đời, chủ đầu tư các dự án này mới chỉ trồng bù được một diện tích rừng rất ít ỏi, chỉ có tính chất tượng trưng, chứng tỏ chủ đầu tư các dự án đó đã thiếu nghiêm chỉnh trong việc chấp hành Luật. Vì sao có tình trạng đó?
Có thể nhìn thấy ngay rằng đó là do tư tưởng chỉ biết đặt lợi nhuận cục bộ của mình lên hàng đầu. Tư tưởng này đang phổ biến trong xã hội.
Hiện tượng chủ đầu tư các dự án khu đô thị chỉ biết tận dụng tối đa từng mét vuông đất để xây nhà bán mà không quan tâm đến trường học, nhà trẻ…chẳng hạn, là một ví dụ.
Nhưng nếu như chủ các dự án khu đô thị chỉ quan tâm đến lợi nhuận cục bộ của mình mà bỏ qua lợi ích của cư dân khu đô thị đó, thì chỉ gây tổn hại cho một bộ phận người dân.
Còn với chủ các dự án thủy điện, khi chây ỳ hay lảng tránh trách nhiệm trồng bù rừng, thì họ đã gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Bởi ai cũng biết, một khi rừng, lá phổi xanh của một đất nước, mà bị tàn phá đến thành kiệt quệ, thì toàn xã hội sẽ bị thiên nhiên giáng trả như thế nào.
Thế nên, thái độ cương quyết của vị tư lệnh ngành NN-PTNT với chủ đầu tư các dự án thủy điện là cần thiết. Và đã được đại diện nhiều tỉnh, thành ủng hộ. Có tỉnh còn nêu đề xuất đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mua điện của các dự án thủy điện vi phạm quy định trên.