ThienNhien.Net – Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ – CP của Chính phủ về chính sách “Chi trả dịch vụ môi trường rừng”, tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả mang tính đột phá trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng bước đầu đã đi vào cuộc sống, gắn kết lợi ích giữa người sử dụng dịch vụ môi trường rừng và người bảo vệ rừng.
Theo Nghị định 99, người cung cấp dịch vụ bao gồm các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, các tổ chức Nhà nước và các công ty tư nhân có quyền sử dụng đất. Với lợi thế là tỉnh miền núi giàu tài nguyên, Sơn La có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 934.000 ha, chiếm 65% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và chiếm 40% diện tích rừng của 4 tỉnh Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình). Theo đó, Sơn La có trên 64.000 chủ rừng, họ chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa hẻo lánh.
Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Sơn La đã tạo tổng doanh thu trên 211 tỷ đồng (thu của các năm 2011 – 2013). Riêng năm 2013, quỹ đã thanh toán cho 37.486 chủ rừng, tổng diện tích rừng được thanh toán chi trả gần 416.300 ha thuộc lưu vực sông Đà của Sơn La.
Diện tích rừng trung bình của một hộ ở Sơn La là 3 ha. Mức chi trả cho từng chủ rừng là hộ gia đình đã được nâng lên và mức chi trả trung bình giai đoạn 2011 – 2012 là 110.000 đồng/ha/năm. Đến năm 2013 tăng lên 219.000 đồng/ha/năm.
Nhờ có thêm nguồn chi trả mới, mức thu nhập của người dân làm nghề rừng, nhận khoán bảo vệ rừng tăng cao hơn, mức trung bình đạt 1,8 triệu/ha/năm. Kết quả tích cực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng càng khẳng định chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích nhiều mặt và được người dân đồng tình, ủng hộ.
Ông Lương Thái Hùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Sơn La, cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã giải ngân trên 183 tỷ đồng trong tổng số 189,743 tỷ đồng kinh phí phải chi trả cho các chủ rừng. Người dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Chính quyền cơ sở thực sự vào cuộc, từ công tác vận động tuyên truyền, tổ chức, điều hành quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng chống cháy, chữa cháy rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại, cụ thể năm 2013 giảm 382 vụ so với năm 2009. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng với các thu nhập khác từ rừng đã góp phần tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân gắn bó với rừng.
Đến hết năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 29 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Trong đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đã ký hợp đồng với 23/23 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng nội tỉnh, phối hợp với Quỹ Trung ương ký 6 hợp đồng ủy thác trong tổng số 8 công ty thủy điện và cơ sở sản xuất nước sạch có lưu vực liên tỉnh. Đến thời điểm này, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 – 2014, nhưng mức nộp còn chậm và nhỏ giọt. Cá biệt, còn một số nhà máy thủy điện chưa nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp tiền dịch vụ môi trường rừng về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh theo quy định, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn Sơn La.
Ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành phố cùng phối hợp với ngành chức năng rà soát, xác định rừng, chủ rừng, đối tượng sử dụng dịch vụ rừng cần chi trả, tăng cường cơ chế giám sát, đánh giá và chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh sẽ có biện pháp với những dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn chưa nộp dịch vụ theo quy định.
Trước mắt, Sơn La tập trung truy thu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 3 năm (năm 2011, 2012 và 2013) đối với các công trình thủy điện có lưu vực nội tỉnh; tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người sử dụng dịch vụ rừng, coi việc chi trả là nghĩa vụ tài chính tất yếu để góp phần bảo vệ phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường, nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay. Đồng thời, đây cũng là nguồn thu giúp đồng bào vùng sâu, những hộ làm nghề rừng ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, đem lại công bằng hơn giữa người sở hữu rừng và đối tác sử dụng dịch vụ về rừng.