ThienNhien.Net – Nguyên nhân gây ra các sự cố thủy điện chủ yếu do khâu khảo sát, thiết kế kém, thi công không đúng kỹ thuật, quản lý thiếu trách nhiệm.
Sự cố sập hầm tại Thủy điện Đạ Dâng ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) ngày 16-12 tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về tình trạng “nhà nhà, nơi nơi làm thủy điện” trong thời gian qua. Trước đó đã có rất nhiều sự cố xảy ra tại Thủy điện La Krel 2 (huyện Đức Cơ, Gia Lai), Đăk Mek 3 (huyện Đăk Glei, Kon Tum)… Đâu là nguyên nhân?
Nhắm mắt chọn nhà thầu giá rẻ
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Hồ đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, cho biết: Nguyên nhân gây ra các sự cố thủy điện chủ yếu do khâu khảo sát, thiết kế kém, thi công không đúng kỹ thuật, quản lý thiếu trách nhiệm. “Điều này thường do chủ đầu tư ham giá rẻ nên thuê các đơn vị khảo sát thiết kế, thi công kém năng lực, thiếu trách nhiệm” – ông Giang nói.
Trong thời gian qua, việc xây dựng thủy điện diễn ra ồ ạt, chẳng khác nào một cuộc đua. Chính vì thế nên theo ông Giang, “chủ đầu tư thường ép nhà thầu tư vấn, thiết kế, nhà thầu thi công phải làm nhanh. Như vậy mới xảy ra chuyện”. Đồng quan điểm, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, đánh giá: Thủy điện là ngành kinh tế kỹ thuật. Nhưng khi làm thủy điện, người ta chỉ nghĩ đầu tư phát triển nhanh vì mục đích kinh tế.
“Theo quy định, với những công trình thủy điện thi công khó, phức tạp thì phải có ý kiến của chuyên gia. Thực tế chủ đầu tư cũng mời chuyên gia nhưng chỉ mời những người nào ủng hộ họ, ủng hộ cho việc làm thủy điện đó. Các chuyên gia hay phản biện thì họ tránh xa” – ông Hồng nêu thực tế.
Ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng phòng Giám định 2 – Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cũng nhận định: Các thủy điện nhỏ thường do tư nhân đầu tư. Với các thủy điện này, khi thiết kế, chọn nhà thầu, chủ đầu tư thiên về hướng tiết kiệm chi phí để mau thu hồi vốn. “Nhưng nếu vì tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư cứ nhắm mắt chọn nhà thầu bỏ giá rẻ mà không quan tâm tới chất lượng công trình thì rõ ràng không ổn. Bởi muốn rẻ, dĩ nhiên họ phải cắt xén đủ khâu, từ khảo sát, thiết kế đến thi công” – ông Nghĩa nói.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Nghĩa, khi xảy ra sự cố thủy điện, về nguyên tắc phải điều tra xác định nguyên nhân, sau đó mới nói đến trách nhiệm thuộc về ai. Do thiết kế sai thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thiết kế. Do thi công sai thì trách nhiệm của nhà thầu thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu sau này xác định lỗi hoàn toàn do thiết kế, thi công… thì chủ đầu tư vẫn có trách nhiệm liên đới.
“Năng lực của nhà thầu tham gia công trình kém mà vẫn được chọn thì rõ ràng đó là trách nhiệm quản lý của chủ đầu tư. Còn nếu các nhà thầu đủ năng lực mà sự cố vẫn xảy ra thì cần xem xét chủ đầu tư có thiếu trách nhiệm không, có tham ô, móc ngoặc với bên nọ, bên kia không. Ai vi phạm ở mức nào thì xử lý theo mức đó, có thể kiểm điểm, cách chức hay thậm chí xử lý hình sự” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
GS-TSKH Phạm Hồng Giang lưu ý thêm: Thực tế ở nhiều địa phương đang có tình trạng cán bộ không có đủ trình độ đánh giá chất lượng các công việc khảo sát, thiết kế, thi công công trình dẫn tới tình trạng ký bừa. Do vậy khi xảy ra các sự cố ở công trình thủy điện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thiết kế, kiểm tra chất lượng công trình cũng khó thoát trách nhiệm.
“Nếu chúng ta có những biện pháp nghiêm khắc, bắt những người vi phạm phải chịu chế tài tương xứng thì sẽ hạn chế được phần nào tình trạng làm bừa, ký ẩu. Phải xử lý thật nghiêm khắc thì mới có thể răn đe, người ta mới làm hết trách nhiệm” – ông Giang chỉ rõ.
Liên tiếp xảy ra nhiều sự cố
Qua kiểm tra cho thấy các sự cố ở thủy điện thường tập trung vào các công trình có quy mô nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với dạng công trình này. Ông PHẠM TIẾN VĂN |