ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, khu rừng Giang thuộc Khe Kẹm, thôn Tân Hòa, xã Thanh Hòa (Như Xuân – Thanh Hóa) bị tàn phá nghiêm trọng.
Dọc Khe Kẹm, lần theo dấu vết kéo gỗ đã thành lối mòn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi lâm tặc đang hoành hành, càng đi sâu vào trong, rừng càng bị tàn phá.
Ghi nhận tại những địa điểm bị khai thác, phóng viên chứng kiến có nhiều gốc cây có đường kính 1-2 người ôm bị đốn hạ không thương tiếc. Nhiều chỗ, thân cây được cưa, xẻ thành gỗ hộp, gỗ tròn, mùn cưa chất thành đống. Những mảnh gỗ, thân gỗ chưa kịp vận chuyển vẫn còn nằm ngổn ngang như một công trường.
Để vận chuyển gỗ ra bên ngoài, các đối tượng thường dùng trâu kéo từ trong rừng ra, sau đó cho xe lôi chờ sẵn bên ngoài rồi chở gỗ đi cất giấu chờ tiêu thụ.
Một người dân cho biết: “Trước kia, khu rừng này có khá nhiều cây gỗ to nhưng giờ không còn nữa bởi nhiều đối tượng vào đốn trộm. Nhà tôi được giao 1ha rừng, trong đó có nhiều cây gỗ to, quý hiếm nhưng đến nay chúng đã biến mất”.
Người dân địa phương còn cho biết thêm, để vận chuyển gỗ trót lọt, các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, gỗ bị đốn hạ thả từ trên cao xuống rồi dùng trâu kéo ra bên ngoài. Sau khi gỗ được đưa ra ngoài, bọn chúng dùng xe lôi, xe kéo vận chuyển đi nơi khác. Điều đáng nói là Hạt Kiểm lâm Như Xuân đóng cách vị trí rừng bị tàn phá không xa.
Sau khi phónng viên báo Kinh tế nông thôn thông tin, ngày 26/12, lực lượng kiểm lâm đã vào rừng đánh dấu một số cây gỗ bị đốn hạ. Tuy nhiên, còn hàng chục gốc cây gỗ lớn bị chặt phá trước đó chưa có dấu vết kiểm tra của lực lượng chức năng.
Không chỉ rừng ở xã Thanh Hòa bị chặt phá mà khu vực rừng thuộc thôn Chiềng Cà, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cũng bị tàn phá nghiêm trọng.
Dù rừng bị tàn phá như vậy nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Ái, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân, tình trạng khai thác gỗ tại đây chỉ là nhỏ lẻ, kiểm tra cho thấy chỉ có 8 cây gỗ bị chặt.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng, cho biết: “Hiện, Ban đang quản lý 8.000ha rừng trên địa bàn huyện Như Xuân, chủ yếu tập trung ở hai xã Thanh Hòa và Xuân Hòa. Ban cũng thường xuyên tổ chức cho anh em đi kiểm tra. Vừa rồi anh Ái (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Xuân – PV) có gọi điện kiểm tra, tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra và xác minh lại”.
Sau khi nhận được phản ánh, ông Bình đã cử lực lượng kiểm tra và xác nhận, khu vực rừng thuộc trách nhiệm quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng không có hiện tượng khai thác gỗ.
Tuy nhiên, những gì chúng tôi ghi được bằng hình ảnh thì lại khác xa với câu trả lời của ông Ái và ông Bình.
Nhìn những hình ảnh này chắc nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi: Có hay không sự dung túng, làm ngơ cho lâm tặc. Câu trả lời xin dành cho Chi cục Kiểm lâm và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa.