ThienNhien.Net – Theo quy hoạch, Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp khu vực này có tới 485 dự án thủy điện – hầu hết là vừa và nhỏ, thậm chí công suất chỉ 2-4 MW – gây ra rất nhiều hệ lụy
Bộ Xây dựng vừa đề nghị Bộ Công Thương và UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng kiểm tra, rà soát những dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn sau sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng làm 12 công nhân bị kẹt trong đó suốt 4 ngày. Chỉ riêng khu vực Tây Nguyên đã có rất nhiều dự án “lôm côm”, mà công trình thủy điện Thượng Kon Tum là điển hình.
Trả giá vì ham nhà thầu giá rẻ
Ông Đoàn Xuân Trọng – Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum – cho biết từ tháng 8-2014, nhà thầu Trung Quốc đã ngừng thi công, rút toàn bộ người khỏi công trình thủy điện Thượng Kon Tum.
Dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 9-2009 và dự kiến năm 2015 sẽ đi vào hoạt động. Song, hiện một số nhà thầu Trung Quốc không chịu thi công khiến công trình chưa thể biết thời điểm nào sẽ phát điện.
Theo báo cáo mới nhất của chủ đầu tư, công trình còn chờ một số hạng mục quan trọng do nhà thầu Trung Quốc đảm trách. Trong đó, hạng mục đường hầm dẫn nước dài 12.447 m, phần xây dựng nhà máy, trạm phân phối do tổ hợp nhà thầu Viện Hoa Đông, Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc và Công ty TNHH Cục đường sắt Trung Quốc số 18 trúng thầu với giá hơn 1.614 tỉ đồng, chỉ bằng 44,7% giá dự thầu của nhà thầu xếp thứ 2 (hơn 3.614 tỉ đồng).
Triển khai từ tháng 3-2011, đến nay, một số hạng mục thực hiện được khối lượng rất ít, như hầm dẫn nước chỉ đạt khoảng 15% khối lượng công trình, chậm hơn 1 năm so với tiến độ điều chỉnh. Tổng cộng các hạng mục, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc đạt 24,34% khối lượng giá trị hợp đồng.
Không những không có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, nhà thầu Trung Quốc còn đòi bổ sung 800 tỉ đồng chi phí vô lý như rò rỉ nước ngầm, ảnh hưởng của đường vào công trường, trượt giá cho những khối lượng thi công không đúng tiến độ… nên chủ đầu tư không chấp nhận.
Ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, cho biết có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ là do đội ngũ quản lý, vận hành của nhà thầu Trung Quốc không có kinh nghiệm và năng lực phù hợp. Năng lực tài chính của nhà thầu Trung Quốc cũng không bảo đảm. Khối lượng thi công thấp do không đủ chi phí, nhất là hạng mục khoan nổ đường hầm và thi công hầm dẫn nước, nhà thầu càng thi công càng lỗ nên cứ chây ì. “Giá trúng thầu thấp nên nhà thầu thuê nhân công rẻ, làm đường hầm dẫn nước bằng phương pháp không bảo đảm, thiết bị không tốt, vật tư dự phòng không đầy đủ” – ông Trung lo ngại.
Theo ông Trung, trước đó, tổ hợp nhà thầu đã có nhiều cam kết tổ chức lại thi công để đẩy nhanh tiến độ nhưng tình hình vẫn không tiến triển. Nhà thầu cố tình trì hoãn thi công để kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, đòi tăng giá xây dựng.
Loại bỏ thủy điện “mất nhiều hơn được”
Thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định loại bỏ 36 vị trí ra khỏi quy hoạch thủy điện và 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Nguyên nhân, những vị trí này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường – xã hội và không hiệu quả.
Trong khi đó, toàn Tây Nguyên, theo quy hoạch, khu vực này và các huyện miền núi giáp ranh có tới 485 dự án thủy điện với tổng công suất thiết kế 9.988 MW. Trong đó, 63 dự án thuộc quy hoạch thủy điện bậc thang (công suất trên 30 MW), còn lại là các thủy điện vừa và nhỏ với công suất thiết kế dưới 30 MW, thậm chí chỉ 2-4 MW. Đến nay, toàn vùng có 118 dự án thủy điện đã hoàn thành, 75 dự án đang thi công.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định quá trình xây dựng thủy điện đã ảnh hưởng đến môi trường, làm ngập nước nhiều khu vực, phá vỡ cân bằng sinh thái. Tổng cộng, Tây Nguyên phải chuyển đổi 80.000 ha đất các loại cho thủy điện và có gần 26.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Thủy điện đã làm đảo lộn, thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt của một bộ phận người dân…
Việc tổ chức tái định canh, định cư còn chậm, hàng trăm hộ trong các vùng dự án chưa được cấp đủ đất sản xuất. Nhiều hạng mục giao thông, công trình phúc lợi chưa bố trí vốn gây ra nhiều khó khăn cho đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, việc trồng rừng bù lại diện tích rừng bị mất do xây dựng thủy điện còn rất chậm (mới trồng được gần 1.000 ha so với 22.770 ha rừng đã chuyển đổi); quản lý chất lượng của các dự án thủy điện vừa và nhỏ bị buông lỏng, còn nhiều dự án chậm khắc phục hậu quả về môi trường…
Ông Phùng Thế Vinh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, băn khoăn: “Chúng ta đang làm thủy điện tràn lan. Các dự án thủy điện trở thành nỗi lo cho toàn dân, toàn vùng vì không chỉ làm đảo lộn cuộc sống của hàng ngàn hộ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Do đó, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương rà soát các dự án thủy điện trong vùng, đồng thời đề xuất loại bỏ các dự án vừa và nhỏ mà khi triển khai mất nhiều hơn được”.
Theo ông Vinh, trong 2 năm qua, các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp khu vực này đã loại bỏ 167 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 617 MW cùng 75 vị trí tiềm năng với tổng công suất 135 MW. “Đây là những thủy điện được đánh giá mất nhiều hơn được” – ông Vinh khẳng định.
Nhiều hộ thiếu đất canh tác
Tại Đắk Lắk, theo HĐND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 4 dự án thủy điện phải thực hiện tái định canh, định cư gồm Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpốk 3 và Krông H’năng. Tuy nhiên, việc tái định canh, định cư tại các thủy điện này đều có nhiều bất cập, làm đảo lộn, thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thủy điện Krông H’năng đã thu hồi 471 ha đất nông nghiệp để xây dựng nhưng diện tích đất bố trí tái định canh chỉ có 25,9 ha khiến hàng trăm hộ thiếu đất sản xuất, đời sống ngày một khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt tại khu tái định cư của thủy điện Krông H’năng luôn trong tình trạng khô cạn, công trình giao thông hư hỏng nặng. Để làm thủy điện Buôn Kuốp, diện tích đất nông nghiệp thu hồi là 692,95 ha, trong khi khu vực bố trí tái định canh, định cư chưa đầy 100 ha, trung bình mỗi hộ chỉ được cấp 0,5 ha nên nhiều người phải phá rừng lấy đất canh tác. “Trước kia, gia đình tôi có hơn 2 ha đất làm vườn – ao – chuồng nên cuộc sống khá no đủ. Sau khi thu hồi đất, thủy điện Buôn Kuốp chỉ bố trí được 0,5 ha nên đời sống gia đình tôi ngày càng khó khăn” – một người dân bức xúc. |