ThienNhien – Với nguồn đất sét phong phú, nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương được xem là “thủ phủ” của cả nước trong việc sản xuất gạch đất sét nung. Theo UBND tỉnh Bình Dương, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 114 cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman – loại công nghệ không thân thiện với môi trường.
Trong năm 2014, nếu cả nước sản xuất được 20 – 22 tỷ viên gạch, thì chỉ riêng Bình Dương đã chiếm tỷ lệ hơn 1/10, với khoảng 2,6 tỷ viên gạch (trong đó phân nửa là gạch đất sét nung). Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có quy định: “Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu canh tác trồng lúa và hoa màu, chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch…”.
Quy hoạch đã có, lộ trình chấm dứt hoạt động lò gạch Hoffman cũng được thông báo công khai đến các cơ sở, DN trước 4 năm, tuy nhiên, do nguồn thu từ các lò gạch này là “siêu lợi nhuận”, lại được sự “trợ giúp” của chính quyền cơ sở nên chỉ một thời gian ngắn, nhiều cơ sở, DN ở Bình Dương đã phát triển ồ ạt các lò gạch Hoffman mà không gặp trở ngại gì! Vào năm 2010, trên địa bàn tỉnh chỉ có 5 lò gạch Hoffman hoạt động, đến nay đã là 150 lò, thuộc 114 cơ sở, DN. Điều đáng nói, chỉ có 2/150 lò được xây dựng thí điểm, còn lại 148 lò đều xây dựng trái phép.
Trung tuần tháng 12, qua kiểm tra thực địa tại tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã kết luận: Hầu hết các lò gạch Hoffman trên địa bàn đầu tư không phép hoặc sai phép; các lò gạch Hoffman gây ô nhiễm môi trường đối với người dân và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; ống khói các lò gạch Hoffman không đảm bảo các yếu tố môi trường; việc ra vào lò trong môi trường nóng, bụi nên không đảm bảo sức khỏe cho người lao động; trẻ em sinh hoạt, vui chơi quanh các lò gạch, gây mất an toàn; nhân công chưa được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội… Trước đó, ngày 3-5-2012, Bộ Xây dựng đã ra văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp dừng ngay việc đầu tư mới lò Hoffman. Đối với các lò Hoffman đang sản xuất, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành kiểm tra về tính pháp lý của DN để đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động.
Vì sao hàng trăm lò gạch Hoffman xây dựng trái phép mà chính quyền địa phương không biết? Các sai phạm lẽ ra phải xử phạt nặng và đình chỉ ngay mọi hoạt động, nhưng tỉnh lại cho tồn tại đến thời điểm 30-6-2014? Theo lý giải của ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Bình Dương, việc tỉnh gia hạn đến 4 năm trong những năm qua là hướng giải quyết có lý có tình, nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở, DN sản xuất gạch Hoffman có điều kiện tiêu thụ hết nguồn nguyên liệu và bảo đảm thu hồi vốn đầu tư. Đến nay, thời gian gia hạn đã hết, tỉnh kiên quyết xử lý theo đúng thẩm quyền và đề nghị các cơ sở, DN chấp hành đúng quy định của pháp luật. Song song đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng làm việc với DN, người lao động để giải quyết việc chuyển đổi, nhất là giải quyết các quyền lợi cho hơn 4.000 lao động bị ảnh hưởng.
Dù nghề gạch ngói, gốm sứ công nghệ nung đốt có lâu đời ở “đất Thủ” nhưng việc phát triển đô thị đã khiến những lò gạch, lò gốm nung đốt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Ngay từ năm 2005, tỉnh Bình Dương đã triển khai di dời toàn bộ lò nung đốt gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Đến nay, theo lộ trình, tỉnh kiên quyết đóng cửa toàn bộ lò gạch công nghệ lạc hậu, từng bước chuyển đổi đưa vật liệu xây dựng công nghệ không nung chiếm 25% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Đây cũng là chủ trương lớn của nước ta trong hành trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển sản xuất nhưng phải hài hòa với bảo vệ môi trường.