ThienNhien.Net – Khi hoa dã quỳ nở vàng trên các huyện vùng cao Cao Bằng báo hiệu một mùa khô, mùa nông nhàn đã về thì cũng chính là lúc mùa khai thác gỗ lậu bắt đầu nở rộ. Huyện Thông Nông – “thủ phủ” của nghiến cổ đất Cao Bằng với nhiều cây to tới 4, 5 người ôm – nay cũng đang bị băm nát tan hoang. Việc chặt phá, tiêu thụ nghiến diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.
Từ thớt nghiến vượt biên đến… nhà sàn đỏ
Bản Nà Tềnh thuộc xã vùng sâu Cần Nông nằm giáp ranh với Trung Quốc và chỉ vỏn vẹn 12 hộ gia đình thuần nông sinh sống rải rác. Trong cái rét tê tái của Nà Tềnh, chúng tôi không khỏi xoa xuýt lạnh trong khi trò chuyện với H., một thanh niên đang thuần thục vác cày, dắt bò lên nương trong chiếc áo cộc phong phanh. Theo hướng chỉ tay của H., toán giả làm lái buôn chúng tôi tìm được đến điểm tập kết gỗ nghiến của đầu nậu Chiêu không mấy khó khăn bởi nó nằm ngay ven đường mòn.
Trong khi đánh tiếng chủ nhà, chúng tôi còn nghe rõ tiếng cưa máy ràn rạt ở cánh rừng phía trái. Có tiếng cây đổ ầm ầm như bão, hẳn cây nghiến này có thân khá lớn. Chủ nhà đi vắng, toán giả lái buôn rút lui sau khi kịp ghi vài tấm hình hàng trăm thớt nghiến, hộp nghiến đủ kích cỡ được xếp ngay ngắn trong gian kho quây tạm rộng chừng 30 mét vuông.
Lần theo đường mòn hun hút từ bản Nà Tênh ngược lên biên giới, chúng tôi gặp rải rác những người phụ nữ lùi lũi gùi những thớt nghiến trên lưng. Rặt chỉ có phụ nữ gùi nghiến. Người dăm thớt, người ba thớt…, mỗi thớt dài rộng chừng 25-40 cm, dày gần một gang tay người lớn. Chúng tôi cố ý trò chuyện với một cô gái, thậm chí xin gùi thử khối nghiến cô đang gùi nhưng… bất lực. Cô gái cho chúng tôi biết mỗi cân nghiến vác đến điểm tập trung (bên kia biên giới) được chủ hàng trả một nghìn đồng. Hỏi “một ngày vác được bao nhiêu cân?”, cô bảo không biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bế Văn Ấm – Phó Bí thư Đảng ủy xã Cần Nông cho biết, Cần Nông có đường biên giới khoảng 6km, thuộc diện 30a, là xã nghèo nhất huyện, với tỷ lệ hộ nghèo gần 50%, hơn 60% dân không biết chữ. Trong xã hiện còn 5 bản là Lũng Vai, Phiêng Pán, Nà Ca, Khau Rựa hoàn toàn chưa có điện thắp sáng. Khi chúng tôi hỏi về việc phá rừng ở Nà Tênh, ông bảo “có thể là vùng giáp ranh với Lương Thông thôi, chứ bây giờ chỉ còn lại cây ở chỗ khó. Rừng còn cây nữa đâu mà phá với bảo vệ”.
Tại cả hai xã Cần Nông và Lương Thông của huyện Thông Nông, chúng tôi đều nhận thấy một thực tế gỗ nghiến được cưa, gùi, chở, tập kết không mấy giấu giếm. Hầu hết người gùi gỗ đều là phụ nữ. Nhưng nếu như ở thôn Nà Tênh của xã Cần Nông, nghiến được đưa ngược qua biên giới thì tại Lương Thông, chúng tôi bắt gặp nhiều hộp nghiến vuông vắn lại được đưa từ trên núi xuống, sau đó được tập kết tại nhà dân – nhà ông Bàn Văn Triệu.
Trò chuyện với một vài người dân, chúng tôi được biết thôn Lũng Rịch (xã Lương Thông) có khoảng 15 – 20 người thường xuyên làm nghề gùi, vác nghiến thuê. Họ được trả 2.500 đồng cho mỗi cân nghiến và tất cả đều vận chuyển thuê cho một chủ nậu là người thị trấn Thông Nông. Nghe nói người này đã trúng đấu giá của huyện để được khai thác gỗ nghiến và gửi nhờ nhà ông Triệu. Trong vòng chưa đầy 20 phút ngồi tại quán nhà ông này, nhóm chứng kiến có tới hơn chục người phụ nữ gùi, vác nghiến tới bán. Tại đây, có sẵn một gã đàn ông chừng 30 tuổi chờ cân gỗ. Quan sát phía sau nhà ông Triệu, có đến cả trăm thanh, ván gỗ nghiến còn tươi sắc đỏ, được xếp gọn gàng, ước chừng 15 – 20 khối.
Tiếp cận thêm ở thôn Tả Bốc tại vị trí cách trường tiểu học Tả Bốc không xa, chúng tôi chứng kiến hai ngôi nhà sàn 4 gian đỏ au vẫn đang dựng dở. Thớ gỗ của các cột, kèo còn tươi rói, thơm mùi đặc trưng. Toàn gỗ nghiến cả. Nghe nói nó chuẩn bị được đưa về xuôi?!
Kiểm lâm nói “sẽ kiểm tra”, “sẽ đề phòng”
Khi chúng tôi trao đổi về tình trạng khai thác vận chuyển gỗ nghiến qua biên giới và bán đấu giá gỗ nghiến trên địa bàn, ông Linh Quang Nam – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thông Nông thừa nhận hiện vẫn còn tình trạng khai thác nghiến trái phép ở xã Lương Thông. Ông cho biết Lương Thông là xã có nhiều nghiến nhất, song khó quản lý khai thác vì đây là rừng sản xuất. Trước đây, ở xã Cần Nông cũng có rất nhiều nghiến và chuyện người dân gùi thớt nghiến qua biên giới bán cho thương lái Trung Quốc là có thật, nhưng gần đây nghiến đã cạn kiệt, việc tuần ra nghiêm ngặt nên không còn xảy ra tình trạng này nữa.
Ông Nam xác nhận có vụ việc bán đấu giá gỗ nghiến trên địa bàn và cho biết đó là cây nghiến do anh Triệu Văn Phụng ở thôn Lũng Rịch tự ý chặt năm 2013. Anh Phụng sau đó đã bị phạt hành chính hơn 1 triệu đồng, còn 9,4m3 gỗ nghiến tang vật thì được bán đấu giá cho bà Hà Thị Thiết ở thị trấn Thông Nông với giá 24,4 triệu đồng. Ông Nam thừa nhận giá bán cây gỗ nghiến này là thấp so với thị trường và huyện có cho phép bà Thiết “nới” thời gian khai thác cây gỗ này thành 60 ngày vì lý do “cây nghiến này ở xa, khó vận chuyển”.
Mặc dù có kiểm lâm bám địa bàn thường xuyên, song tình trạng khai thác nghiến ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng vẫn diễn ra như chỗ không người, thậm chí có đến hai ngôi nhà sàn 100% nghiến được dựng lên nhưng kiểm lâm không hề hay biết. |
Nhóm phóng viên đặt câu hỏi liệu có tình trạng lợi dụng việc nới thời hạn khai thác gỗ đấu giá để khai thác thêm gỗ tự nhiên và khai thác gỗ nghiến làm nhà sàn thương mại hay không, ông Nam cho biết ở huyện Lương Thông chỉ có một thôn xin nghiến làm nhà văn hóa và cũng không có hộ dân nào xin nghiến làm nhà cả. Với thông tin phóng viên cung cấp về hai nhà sàn tại thôn Tả Bốc, kiểm lâm huyện sẽ cho kiểm tra lại. Còn việc các đối tượng “xấu” móc nối để làm nhà sàn, hay chặt phá rừng lợi dụng đấu giá thì đến nay kiểm lâm huyện chưa nắm được và chưa phát hiện vụ nào. “Nếu đúng như thế này thì tinh vi thật, chúng tôi sẽ đề phòng”, ông Nam nói.
Ông Vỹ cho hay, Cao Bằng là tỉnh có nhiều huyện vùng biên và có đường biên giới dài, có nhiều gỗ quý, trong đó có nghiến, song lực lượng kiểm lâm mỏng, mỗi Hạt chỉ khoảng 12 – 13 cán bộ. Về tình trạng phá rừng, 9 tháng đầu năm nay đã xảy ra 141 vụ vi phạm, trong đó riêng tháng 9 xảy ra 11 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và khai thác gỗ trái phép. “Hiện đang là mùa khô, cũng là mùa nông nhàn nên tình trạng phá rừng càng nhức nhối hơn. Song, tình trạng khai thác nghiến ở Thông Nông như phóng viên phản ánh bây giờ tôi mới biết, chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”, ông Vỹ khẳng định.Cũng với câu hỏi đặt ra như trên, chúng tôi gặp ông Hoàng Phượng Vỹ – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Cao Bằng. Ông Vỹ tỏ ra rất bức xúc bởi hình ảnh tư liệu do nhóm phóng viên cung cấp hoàn toàn trái ngược với nội dung báo cáo mà ông vẫn nhận được từ phía các địa phương.
Về hình ảnh hai ngôi nhà sàn ở thôn Tả Bốc đang sắp dựng xong nhưng kiểm lâm vẫn không hề hay biết, ông Vỹ cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay. Nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết thu hồi”.