ThienNhien.Net – Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Kon Tum góp phần làm sống lại những cánh rừng và phủ xanh đồi núi trọc, đã khẳng định được hiệu quả của chính sách này.
Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi năm tỉnh Kon Tum có nguồn thu trên 100 tỷ đồng từ 11 thủy điện trên địa bàn tỉnh. Nhờ có nguồn ngân sách này, công tác bảo vệ rừng, giao rừng cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trồng và quản lý rừng đã đạt được kết quả khả quan.
Tác động tích cực, rõ nét nhất từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng chính là đã tạo lập được cơ sở kinh tế bền vững, người dân, tổ chức Nhà nước có nguồn thu từ đó yên tâm bảo vệ rừng.
Ông Hồ Đắc Thanh, Giám đốc Vườn quốc gia Chư Mom Rây cho biết: Nguồn ngân sách cấp hàng năm chỉ đủ cho việc trả lương cho cán bộ, công nhân, nên trước đây mọi hoạt động như phòng cháy chữa cháy rừng, mua sắm trang thiết bị cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đều thiếu kinh phí. Từ khi có nguồn dịch vụ môi trường rừng được chi trả hơn 5 tỷ đồng trên diện tích rừng hơn 9.000 ha, công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị đã có bước chuyển biến. Đơn vị đã chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, công tác diễn tập phòng cháy chữa cháy hàng năm. Nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng cũng giúp đơn vị đẩy mạnh việc giao khoán rừng cho cộng đồng, hộ gia đình bảo vệ rừng. Đây là cách bảo vệ rừng hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, từ nguồn quỹ của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà hàng năm công tác giao khoán rừng cho các hộ cá nhân, tập thể, cộng đồng ở Kon Tum cũng được thuận lợi hơn; qua đó góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiệu quả. Nếu như trước đây, huyện Tu Mơ Rông là điểm nóng hoạt động khai thác lâm sản trái phép, đốt phá rừng làm nương rẫy, thì nay tình trạng này đã giảm hẳn.
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng giúp tỉnh Kon Tum đẩy nhanh được tiến trình giao đất, giao rừng. Đến nay, hơn 600.000 ha rừng cùng với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh đã có chủ thể quản lý. Riêng diện tích khoán cho trên 5.000 hộ dân và 23 cộng đồng là gần 130.000 ha; giúp người dân có cuộc sống ổn định, đặc biệt là đời sống của các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết: Quỹ dịch vụ môi trường rừng này đã có tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Kon Tum. Nhờ nguồn quỹ này, công tác giao khoán rừng, quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã có những bước chuyển biến tích cực. Các công ty lâm nghiệp có kinh phí để hoạt động, chi trả cho hoạt động của công ty và công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các cá nhân, hộ gia đình, tập thể, cộng đồng nhận rừng có nguồn thu nhập ổn định.