ThienNhien.Net – Các cơ quan quản lý đã không có biện pháp mạnh khi phát hiện hầm thủy điện Đạ Dâng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn.
“Sẽ làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở Công Thương, Xây dựng, LĐ-TB&XH trong việc kiểm tra, giám sát thi công thủy điện Đạ Dâng. Nếu trước đây kiểm tra đã phát hiện địa chất yếu, sụt lún đất, mất an toàn sao không kiến nghị, yêu cầu dừng thi công để xem xét, có biện pháp xử lý?…” – ngày 23-12, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nói như trên.
Theo ông Lương Văn Ngự, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, lúc đầu hạng mục tuyến hầm dẫn nước dài 2.018 m. Nhưng mặt đất quá thấp, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư – Xây dựng điện Long Hội thay đổi thiết kế, thi công từ hầm sang hầm-kênh dẫn nước. Trong đó hầm dài 700 m, kênh dài 1.317 m. “Họ mở toang từ trên đỉnh xuống để làm kênh. Do họ không thay đổi hướng tuyến nên không đánh giá bổ sung tác động môi trường” – ông Ngự cho hay.
Khi Công ty Long Hội thay đổi thiết kế thi công, tháng 12-2013, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thực tế, yêu cầu chủ đầu tư giải trình chi tiết nội dung, đánh giá tác động môi trường bổ sung đối với việc chuyển đổi thiết kế, thi công. “Khi xem xét ở góc độ môi trường, chúng tôi đã cảnh báo địa chất vùng này không đào hầm dẫn như ở các thủy điện khác vì nền địa chất rất yếu. Tuy nhiên, chủ đầu tư nói các nhà thầu đều là những tổng công ty lớn đã có giải pháp thi công” – một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng nói.
Trả lời câu hỏi “Vì sao biết nền đất yếu mà không kiến nghị dừng dự án, vẫn tham mưu phê duyệt đánh giá tác động môi trường?”, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, nói: “Chúng tôi chỉ đánh giá tác động môi trường. Việc đánh giá khoan thăm dò, thiết kế xây dựng là của cơ quan khác”.
Khi nhà thầu thi công thứ hai là Công ty CP Đầu tư Xây dựng ngầm Vinaconex “bỏ chạy”, công ty này đã cảnh báo nếu làm hầm dẫn sẽ rất nguy hiểm.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trước đây đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã có một số lần kiểm tra công trình và phát hiện có nhiều sai sót. Trong lần kiểm tra hiện trường trước khi xảy ra sự cố, đoàn kiểm tra nhận định: Nền địa chất của đường hầm dẫn nước yếu và yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công phải gia cố, xử lý nhằm tránh xảy ra các sự cố trong quá trình thi công. Ngoài ra, hồ sơ năng lực của đơn vị thiết kế, thi công, giám sát chưa đáp ứng theo quy định, hồ sơ lưu trữ của chủ đầu tư còn thiếu…
Bất chấp những cảnh báo trên, Công ty Long Hội vẫn tiến hành làm hầm thủy điện Đạ Dâng.
Về mặt quản lý, hai sở Công Thương và Xây dựng là cơ quan quản lý trực tiếp dự án nhưng ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết Sở không biết khu vực có nền địa chất yếu. Bởi dự án do Bộ Công Thương thẩm định thiết kế, cho chủ trương thực hiện, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép đầu tư.
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng công trình trên là của Sở Xây dựng.
Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thì không kiểm tra; cơ quan thấy nguy cơ thì không cương quyết kiến nghị xử lý… Hậu quả là 12 người đã bị “nhốt” 82 giờ trong đường hầm.
Nạn nhân cuối cùng xuất viện
Ngày 23-12, chị Đặng Thị Hồng Ngọc (25 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An), nạn nhân cuối cùng trong 12 công nhân bị nạn, đã xuất viện sau hơn bốn ngày điều trị tại BV Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. “Chúng tôi vô cùng cảm ơn sự quan tâm, tận tình chăm sóc, động viên của mọi người trong những này qua” – chị Ngọc xúc động nói. Sau khi xuất viện, chị Ngọc được chồng (là đội trưởng đội thi công đường hầm thủy điện) đưa về quê nhà. Tôi có nghe việc khảo sát địa chất công trình thủy điện do một đơn vị của Trung Quốc thực hiện. Thiếu tướng BÙI VĂN SƠN, |