ThienNhien.Net – Suốt một thời gian dài, bãi cát trái phép này mọc lên ngang nhiên, thách thức pháp luật. Điều lạ, mặc dù không được sự cho phép của bất kể cơ quan nào, nhưng nhóm cát tặc ven sông Hồng này vẫn mặc nhiên dùng tàu hút từ sông lên, đánh thành đống lớn, dùng máy xúc, xúc lên xe đem bán, thu lợi bất chính. Ai bảo kê cho “cát tặc” lộng hành ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên để pháp luật bị coi thường?
Hút cát vô tư như chốn không người
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Vân, một người dân cho biết: “Bãi cát này được hoạt động từ lâu rồi. Cũng thỉnh thoảng thấy có người mặc sắc phục cảnh sát, cán bộ tài nguyên xuống kiểm tra, nhưng sau lại đâu vào đấy. Bãi cát vẫn cứ hoạt động”. Cũng theo chị Vân, hàng ngày, 2 chiếc bơm cát, đẩy cát xối xả từ dưới sông Hồng lên, đánh đống ở đây. Lúc nào có khách đến mua thì dùng chiếc máy xúc, xúc lên bán. Mỗi khối cát, các đối tượng này bán từ 150.000đ/m3. Mỗi ngày, có hàng chục xe tải thi nhau chở đi, bởi vậy số tiền thu được là rất lớn. Tuy nhiên, do là cát chui nên đám “cát tặc” này không bị mất một đồng tiền thuế tài nguyên nào, làm giàu bất chính.
Có mặt ngay tại hiện trường, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online quan sát thấy, những lời tố cáo của người dân là có cơ sở. Chiếc bơm cát công suất lớn nổ rền vang dưới sông đẩy cát và nước xối xả lên bờ. Một người làm thuê ở đây cho biết, ông chủ hiện nay đang đi vắng, do mình chỉ là người làm thuê nên không biết gì. Tại khu vực khai thác này, phóng viên quan sát thấy có một chiếc máy xúc và nhà chứa đồ khá lớn, có đầy đủ máy móc để khai thác cát mà chẳng sợ ai. Một bãi cát lớn, có đến cả trăm m3 cát đã được bơm lên chờ người đến chở.
Chia sẻ với phóng viên thông tin, nhiều người dân sinh sống gần đây đều bức xúc trước nạn khai thác cát trái phép nêu trên, nhưng không ai dám nói vì đám người này đều là những kẻ “gớm mặt”, vì là “dân xã hội” nên nhiều người không dám tố cáo.
Biết là “cát tặc”, nhưng thẩm quyền có hạn
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường online trước việc bãi cát ngang nhiên ăn cắp trên địa bàn xã Minh Quân, ông Lê Đức Bắc, Chủ tịch UBND xã Minh Quân cho biết: “Đó là bãi cát trái phép, cát hút dưới sông Hồng lên là cát ăn cắp. Bãi cát này chẳng phải thuộc doanh nghiệp nào cả, có một số cá nhân hùa nhau ăn cắp thôi. Bãi đất hiện đang tập kết cát có diện tích gần 2000 m2 đất, là đất 5% của xã, mục đích chỉ để trồng trọt, nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà – ông Đặng Văn Cảnh đã không nghiêm túc chấp hành, vẫn ngang nhiên dùng đất nông nghiệp làm bãi chứa cát”. Về trách nhiệm của UBND xã Minh Quân, ông Bắc khẳng định đã nhiều lần lập biên bản và đã quyết định xử phạt hành chính với số tiền 1 triệu đồng đối với vợ chồng ông bà Hà – Cảnh này rồi. Nhưng khi đoàn xã đi khỏi, vợ chồng này lại tiếp tục khai thác cát bán(?!).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: hiện tại khu đất bãi soi, thuộc thôn Linh Đức đã xuất hiện nạn khai thác cát đã lâu, điều lạ, UBND xã Minh Quân có tiến hành xử phạt, nhưng số tiền chỉ có 1 triệu đồng thì chưa đủ biện pháp răn đe đối với các đối tượng này. Còn trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đến đâu, trách nhiệm của tỉnh Yên Bái đến đâu, khi để nạn ăn cắp khoáng sản hoành hành mà không có biện pháp hữu hiệu để xử lý dứt điểm – là câu hỏi mà dư luận nhân dân đặt ra.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: “Luật Khoáng sản đã ban hành, Nghị định 142/2013 đã đi vào cuộc sống. Việc các đối tượng như vợ chồng ông bà Hà – Cảnh nếu đúng như thực tế người dân và báo chí phản ánh, thì là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải nghiêm trị trước khi quá muộn.