Tan hoang rừng nghiến cổ: “Vào hang bắt cọp”

ThienNhien.Net – Lợi dụng việc mua đấu giá, người trúng đấu giá đã khéo léo mượn tấm “lệnh bài” mà ngành kiểm lâm trao cho để triệt hạ hàng loạt cây nghiến cổ. Không chỉ vậy, một số đầu nậu còn núp bóng, thuê người dân chặt phá rồi mua đấu giá. Chu trình khép kín này đã và đang tàn phá nghiêm trọng rừng nghiến ở Thông Nông (Cao Bằng).

Lạc vào “vương quốc nghiến”

Từ dốc Đá, vào xã Lương Thông (Thông Nông) mất gần 1 giờ đồng hồ. Đúng như cái tên mà người dân nơi đây đặt cho Lương Thông là “vương quốc nghiến”, qua đầu dốc, nhìn lên hai bên cánh rừng, chúng tôi đã thấy bạt ngàn cây nghiến. Trên đường vào, chúng tôi liên tục bắt gặp cảnh gỗ nghiến được người dân xẻ thành hộp, thanh và ngang nhiên chở bằng xe máy giữa ban ngày.

Gỗ nghiến được xẻ thành khúc, hộp, ván, rồi được phụ nữ gùi, khuân vác xuống núi. (Ảnh: V.T)
Gỗ nghiến được xẻ thành khúc, hộp, ván, rồi được phụ nữ gùi, khuân vác xuống núi. (Ảnh: V.T)

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN/Dân Việt, Lương Thông có 4 thôn Lũng Rịch, Lũng Giải, Lũng Pó và Tả Bốc có nhiều nghiến nhất. Nghiến ở đây bạt ngàn, trải từ cửa rừng cho đến đỉnh núi. Và cũng chính nơi đây đang là “điểm nóng” về nạn khai thác nghiến trái phép.

Khi vừa chạm vào đất thôn Lũng Rịch, đưa mắt lên rừng nghiến cách đường không xa, chúng tôi giật mình khi phát hiện ra đội quân “phu nghiến” hơn chục người đang vác, gùi những tấm ván nghiến đã được xẻ, rộng khoảng 50 – 60cm, dài hơn 2m xuống đường.

Sau khi đã ghi được đầy đủ hình ảnh, chúng tôi tạt vào nhà một người dân gần đó giả vờ xin nước. Người đàn ông tên Trịnh Văn Lợi (52 tuổi) cho biết, đây là số gỗ mà một người ở thị trấn Thông Nông đã trúng đấu giá cho xẻ rồi thuê người dân gùi xuống.

Cách nhà ông Lợi không xa là nhà ông Bàn Văn Triệu, bán hàng tạp hóa. Sau khi vào quán ông Triệu uống nước, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục phụ nữ gùi, vác ván nghiến về tập kết ở sau nhà ông.

Hỏi dò, chúng tôi được ông Triệu cho biết, nửa tháng nay ông cho một người ở thị trấn Thông Nông mượn nhà để nhờ gỗ chứ không phải gỗ của ông. Chúng tôi quan sát, mỗi người vác nghiến về đều được một gã đàn ông gần 30 tuổi, ít nói, trông dáng bặm trợn cho đưa lên cân rồi ghi vào sổ.

Điểm tập kết gỗ nghiến sau nhà ông Triệu. Mỗi kg nghiến vận chuyển từ trên núi xuống, phu nghiến được “đầu nậu” trả 2.500 đồng. (Ảnh: V.T)
Điểm tập kết gỗ nghiến sau nhà ông Triệu. Mỗi kg nghiến vận chuyển từ trên núi xuống, phu nghiến được “đầu nậu” trả 2.500 đồng. (Ảnh: V.T)

Vờ đi vệ sinh, tôi đã lẻn ra phía sau nhà và ghi lại được hình ảnh đống gỗ phía sau nhà ông Triệu. Có đến hàng trăm ván gỗ nghiến đã được xẻ vuông vắn vẫn con tươi nguyên, ước chừng khoảng 15 – 20m3 gỗ. Tìm cách tiếp cận, phóng viên được người đàn ông cầm sổ cho biết tên là Hào, chỉ ghi thuê cho bà chủ ở thị trấn Thông Nông.

Lúc vào Lũng Giải, Lũng Pó và Tả Bốc, hai bên đường chưa có một khúc gỗ nào. Nhưng khi quay ra, chúng tôi đã thấy hàng chục khúc gỗ, thanh gỗ, cột gỗ nghiến xẻ đã được vận chuyển từ trong rừng ra xếp hai bên đường chờ ô tô vào chở đi.

Qua Tả Bốc, tiếng cưa máy đang rền như sấm trên rừng nghiến. Dừng xe quan sát chúng tôi phát hiện ra 3 – 4 lâm tặc đang hạ một cây nghiến cổ rất lớn. Thấy có người lạ, gã thanh niên đứng cheo leo trên vách núi hú lên một tiếng, lập tức tiếng cưa máy im bặt. Chúng tôi cố chờ thêm 20 phút, nhưng không còn nghe tiếng cưa nữa.

Chiêu trò tinh vi

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở Thông Nông có rất nhiều chủ buôn bán lâm sản, đặc biệt là gỗ nghiến. Trước đây, khi việc khai thác, buôn bán nghiến chưa được siết chặt, các chủ tự do mua bán gỗ. Nhưng gần đây, việc ngăn chặn buôn bán gỗ và chặt phá rừng được làm rốt ráo do đó nguồn hàng khan hiếm hơn.

Để có nguồn hàng, một số ông bà chủ đã nghĩ ra đủ các “chiêu” để qua mặt cơ quan chức năng. Một trong những chiêu khá tinh vi mà những người này hay sử dụng là “dụ” một vài hộ có nhà cũ nát viết giấy lên thôn, xã, thậm chí huyện để xin hạ gỗ làm nhà.

Bình thường, nếu có cho gỗ thì những hộ này cũng chẳng đủ tiền để thuê người xẻ, vận chuyển gỗ từ trong rừng về làm nhà. Song chỉ trong một thời gian ngắn, họ bỗng có nhà to đẹp toàn bằng gỗ nghiến.

Người dân ở đây cho biết, thực ra, đứng đằng sau là các ông, bà chủ chuyên buôn bán lâm sản chống lưng, lo chi phí, công vận chuyển, dựng nhà. Chỉ sau một thời gian, các ngôi nhà này sẽ được hợp thức hóa thủ tục bán và đương nhiên giá trị của căn nhà này sẽ được chia đôi: Gia chủ một nửa và ông bà chủ một nửa.

Một người dân tên Toàn cho chúng tôi biết, hai ngôi nhà sàn đang dựng dở ở Tả Bốc cũng thuộc dạng này, nhưng ông không dám tiết lộ gia chủ và người đứng sau.

Theo tìm hiểu của chúng tôi từ người dân, một thủ thuật nữa hay được áp dụng là đầu nậu móc nối với một số lâm tặc vào rừng chặt hạ một loạt nghiến, rồi đánh tiếng để kiểm lâm vào kiểm tra. Sau đó, nhờ “quan hệ” và bày mưu thao túng việc bán đấu giá mà kết quả đương nhiên là các đối tượng này trúng thầu. Mục đích của chúng là có được tấm “lệnh bài” của cơ quan chức năng cho vận chuyển số gỗ nghiến vừa được đấu giá để “mượn gió bẻ măng”, khai thác mới hoặc tận thu những cây gỗ đã được chặt hạ trước đó không trong diện đấu giá.

Từ thôn Lũng Rịch, phải mất hơn 1 giờ leo ngược núi đá tai mèo, chúng tôi mới đặt chân vào “đại ngàn nghiến” với hàng trăm, hàng nghìn cây nghiến cổ thụ 5–7 người ôm. Vừa ló đầu lên đỉnh dốc, chúng tôi đã ghe tiếng cưa máy gầm rú rung chuyển cả một cánh rừng.

Trên đường lên núi, chúng tôi bắt gặp hơn chục phụ nữ đang gùi, khuân vác nghiến đã xẻ xuống núi. Khi chúng tôi tiến lại gần vị trí lâm tặc đang khai thác, tiếng cưa bỗng tắt lịm. Một gã thanh niên ra chặn đường hỏi. Tốp này có hơn 10 người với 6 cưa máy.

Chúng tôi viện cớ là nhà khoa học, chỉ lên rừng kiếm mẫu cây rừng về nghiên cứu. Thấy gã vẫn nghi ngờ, để tránh bị lộ, chúng tôi rút sang cánh rừng bên, trên đường đi chúng tôi phát hiện hàng chục cây nghiến đã bị chặt hạ từ trước, đang được xẻ nham nhở, mùn cưa đỏ au, nhiều cây còn tươi nguyên. Nhìn sang cánh rừng phía xa, tiếng cưa máy vẫn vang lên inh ỏi, một vài cây đã bị đốn ngã, lá vẫn còn tươi. Sau khi ghi hình ảnh, chúng tôi lượm nhặt một mớ cây dại về để “nghiên cứu”…

Ông Trịnh Văn Lợi cho biết: Lũng Rịch có 52 hộ, chủ yếu là người Dao, trong đó có khoảng 15 – 20 người thường xuyên làm nghề gùi, vác nghiến thuê, với giá 2.500 đồng/kg từ trên núi xuống đến bãi tập kết.

(Còn nữa)