ThienNhien.Net – Dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn sử dụng công nghệ đốt rác và phát điện của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản) với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày và mức phí xử lý là 25 USD/tấn. Chi phí đầu tư cơ bản và vận hành trong 20 năm là 122 triệu USD.
Tin từ cổng thông tin TP Đà Nẵng cho hay, ngày 22/12, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi tiếp ông Gen Takahashi, Phó Giám đốc phụ trách Bộ phận Phát triển kinh doanh của Tập đoàn Kỹ thuật JFE (Nhật Bản), đơn vị tư vấn thực hiện Nghiên cứu khả thi dự án Quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn do JICA tài trợ.
Tại buổi tiếp, ông Gen Takahashi cho biết JFE đã hoàn thiện Nghiên cứu khả thi (FS) Dự án quản lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn và đệ trình lên JICA hồi đầu tháng 12 này.
Theo đó, công nghệ được JFE đề xuất cho dự án là công nghệ đốt rác và phát điện với công suất xử lý dự kiến 1.000 tấn/ngày với mức phí xử lý là 25 USD/tấn.
Chi phí đầu tư cơ bản và vận hành trong 20 năm là 122 triệu USD, trong đó chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ 25 triệu USD thông qua cơ chế tín chỉ chung JCM; JICA cho vay 30 triệu USD (có lãi suất trong quá trình xây dựng).
Dự án sẽ giúp giải quyết vấn đề xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn, kéo dài thời gian chôn lấp đến năm 2036, đồng thời góp phần phải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác.
Hiện nay, khối lượng rác bình quân TP Đà Nẵng phải xử lý vào khoảng 750 tấn/ngày, nếu không có biện pháp xử lý triệt để hơn thì các hố chôn lấp đến năm 2019 sẽ bị lấp đầy, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết.
Trước đề xuất này, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thành phố vẫn cần phải xem xét một số vấn đề. Thứ nhất, do chi phí xử lý bình quân do JFE đề xuất là 25 USD/tấn vẫn còn quá cao và vấn đề sau xử lý hiện đang được thành phố cân nhắc.
Thứ hai, thành phố cũng đang xem xét báo cáo Nghiên cứu khả thi giai đoạn 2 của Dự án xử lý rác thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn do Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam thực hiện. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án này với “Công nghệ xử lý chất thải rắn (nilon) ra thành phẩm dầu PO và RO” đã cơ bản hoàn thành và chi phí xử lý chỉ vào khoảng 8 USD/tấn.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng vấn đề quan trọng chính là hiệu quả đầu tư về lâu dài và tính bền vững của dự án. Cho nên, chính quyền thành phố sẽ rất thận trọng trong việc lựa chọn công nghệ cho các dự án. Sau khi xem xét báo cáo FS cuối cùng về dự án, thành phố sẽ sớm có phản hồi chính thức với Tập đoàn Kỹ thuật JFE.
Thừa nhận mức chi phí xử lý 25USD/tấn do JFE đề xuất vẫn còn tương đối đắt so với Đà Nẵng, ông Gen Takahashi Công ty vẫn đang tích cực tìm kiếm các nguồn tài trợ từ JICA cũng như các tổ chức tài chính của Nhật Bản để sớm có thể hiện thực hóa dự án.
Tuy có sự chênh lệch đáng kể so với mức giá do Công ty CP Môi trường VN đưa ra, nhưng công nghệ đốt rác phát điện do JFE đề xuất là công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và sẽ giảm thiểu được các vấn đề về môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm, góp phần đạt các mục tiêu trong đề án thành phố môi trường của Đà Nẵng. Bên cạnh đó, công nghệ này có thể thích ứng nếu có sự thay đổi về chất lượng rác và khối lượng rác tăng lên trong tương lai, ông Gen Takahashi giải thích.
Cũng theo ông Gen Takahashi, công nghệ “tận thu tái chế nilon để sản xuất dầu đốt công nghiệp PO&RO” như của Công ty CP Môi trường VN hiện không còn phổ biến ở Nhật Bản do những khó khăn trong việc vận hành nhà máy vì nilon rất dễ cháy.
JFE sẽ trình báo cáo Nghiên cứu khả thi chính thức của dự án nêu trên cho lãnh đạo TP Đà Nẵng sau khi nhận được ý kiến cuối cùng của JICA và hi vọng TP Đà Nẵng sẽ sớm có quyết định, cân nhắc trong việc lựa chọn công nghệ của JFE để triển khai dự án, ông Gen Takahashi chốt lại.