ThienNhien.Net – Hàng chục nghìn hecta rừng đã bị mất để phục vụ các mục đích kinh tế, xã hội nhưng chỉ 3% trong số diện tích ấy được trồng lại. Một số giải pháp mạnh được đưa ra là rút giấy phép hoặc không mua điện của các dự án thủy điện chây ỳ, cố tình không trồng lại rừng theo nghĩa vụ.
Chỉ muốn “quy ra tiền” để khỏi trồng lại rừng
Bộ NN&PTNT cho biết, kể từ khi Nghị định 23 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng có hiệu lực năm 2006, tại 55 tỉnh, thành có 2.320 dự án đầu tư chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng lại rừng với tổng diện tích hơn 76.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, toàn bộ các dự án này mới trồng được 2.540ha, đạt tỷ lệ 3%. Có những địa phương diện tích cần phải trồng rừng thay thế rất lớn như Lai Châu, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Trà Vinh, Bình Phước… nhưng vẫn “án binh bất động”. Đặc biệt có 27 dự án có diện tích rừng cần trồng bù với hơn 100ha/dự án nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc trồng rừng thay thế nhưng các địa phương vẫn thiếu quan tâm đúng mức, chậm chủ động tháo gỡ vướng mắc và đôn đốc các chủ dự án. Nghị định 23CP quy định rõ, các dự án phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình; đối với những tỉnh không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp số tiền theo dự án trồng rừng thay thế được duyệt về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương để Bộ NN&PTNT bố trí cho tỉnh khác còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện. Bởi vậy, do không bố trí được quỹ đất để trồng lại rừng thay thế, một số địa phương đã chấp thuận cho chủ dự án nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhưng lại để vốn tồn đọng, thậm chí có nơi đề nghị dùng tiền này để chi cho nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng thay vì nhiệm vụ trồng rừng thay thế.
Là địa phương “nợ” nhiều diện tích rừng, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh này có 245 dự án lấy trên 3.550ha rừng, trong đó 7 công trình thủy điện “ngốn” gần 1.350ha. Phần lớn các chủ thủy điện đều muốn “quy ra tiền” thay vì tự trồng rừng. Hiện, tỉnh này đã phê duyệt phương án trồng rừng 3 dự án, với diện tích 1.240ha, kinh phí gần 34 tỷ đồng. Song mới chỉ có 2 đơn vị nộp tiền khoảng 4 tỷ đồng, còn “ông lớn” như Thủy điện Trung Sơn nợ gần 1.200ha (trên 30 tỷ đồng).
Một địa phương khác cũng có nhiều doanh nghiệp thủy điện nợ nhiều rừng là Nghệ An. Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay, Nghệ An có 15 dự án thủy điện với gần 1.800ha rừng phải trồng thay thế. Tuy nhiên, tỉnh này mới thu tiền trồng 450ha với hơn 24 tỷ đồng từ các chủ thủy điện. Còn lại, gần 1.350ha, các “ông chủ” thủy điện còn chây ỳ, cần có chế tài truy thu.
Rất cần chế tài mạnh
Việc sử dụng diện tích rừng phục vụ các công trình kinh tế, xã hội nhưng không trồng thay thế đã và đang làm bức xúc trong dư luận. Tình trạng này cũng đã được nêu ra tại nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa có biến chuyển. Diện tích rừng bị thu hẹp cũng được nhận định là một trong những nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu, gia tăng tần suất lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ngày 16-12, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, ngành địa phương đánh giá lại, bàn bạc và đưa ra giải pháp giải quyết thực trạng này, báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 31-1-2015.
Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn, tiến độ trồng bù lại rừng như hiện nay cho thấy các địa phương và chủ dự án vẫn đang chậm trễ, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về việc trồng rừng thay thế. Nhiều chủ đầu tư dự án đến nay vẫn còn chưa biết trồng bù rừng ở đâu, cây gì, nguồn vốn như thế nào… “Tôi đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cùng thống nhất, đối với các dự án cố tình chây ỳ hoặc chậm trễ trồng bù lại rừng thì sẽ rút giấy phép hoạt động”. Đồng thời, theo quy định, các dự án chậm 1 năm thì sẽ bị phạt 400-500 triệu đồng và kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam không mua điện của các dự án tư nhân vi phạm.