ThienNhien.Net – Các đại biểu có mặt tại Hội thảo tham vấn Quốc gia về công trình thủy điện Don Sahong của Lào trên dòng chính sông Mê Kông đều có chung nhận định rằng tác động tiềm ẩn đối với nguồn thủy sản từ dự án này là vô cùng nghiêm trọng và cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Hội thảo do Ủy mặt Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) tổ chức ngày 22/12/2014, nằm trong các phiên tham vấn vòng 2 với các cơ quan quản lý, sở ban ngành địa phương, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức phi chính phủ về công trình thủy điện Don Sahong.
Tại Hội thảo, thay mặt VNMC, bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh văn phòng Văn phòng Thường trực đã trình bày về đánh giá tác động của thủy điện Don Shahong. Theo đó, thủy điện Don Sahong được đánh giá là không có tác động đáng kể về bùn cát, dinh dưỡng, chất lượng nước xuyên biên giới, dòng chảy xuyên biên giới hoặc về giao thông thủy. Tuy nhiên, dự án sẽ có nguy cơ tác động đáng kể lên đến nguồn thủy sản và đường di chuyển của cá.
Nằm trên kênh Hou Sahong – đường di cư chính quanh năm và duy nhất của cá vào mùa khô, tác động chủ yếu của Don Sahong lên thủy sản và hành lang di chuyển của cá là mất đường di cư quan trọng của cá. Tuy nhà đầu tư đã đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động đối với thủy sản, nhưng đến nay các giải pháp này vẫn được các chuyên gia đánh giá là không khả thi và thiếu cơ sở thực tiễn.
Các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng các đánh giá về tác động đến nguồn thủy sản cũng là một lỗ hổng của Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bên cạnh các vấn đề khác. Cụ thể, các đánh giá hiện tại không phân biệt loài cá trong khi cá ở Mê Kông rất đa dạng về loài, kéo theo đó là sự khác biệt về tập tính di cư, sinh sản, môi trường sống… Điều này cũng được VNMC đồng tình và cho biết sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ Lào cung cấp thêm thông tin và các đánh giá liên quan.
Theo ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban Thường trực VNMC, các đánh giá của nhà đầu tư đến nay vẫn khẳng định rằng chỉ có cá ở khu vực trung lưu mới di cư qua khu vực dự án. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thủy sản trong khu vực vẫn khẳng định rằng các loài cá của Đồng bằng Sông Cửu Long, chẳng hạn như cá bông lau, vẫn di cư qua khu vực này để đẻ trứng. Ông cũng nhận định các tác động của đập Don Sahong đối với thủy sản là “không thể sửa chữa được” đối với toàn lưu vực cũng như ĐBSCL nói riêng nên cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đánh giá.
Chia sẻ với ý kiến này, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, đại diện Liên Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cũng cho rằng các tác động đối với nguồn cá từ đập thủy điện Don Sahong là “ghê gớm”, kéo theo đó là ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người trong đó có gần 20 triệu dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo ông, cần nhìn nhận dự án này và các tác động của nó trong tổng thể các dự án đã được Lào đề xuất và đã xây dựng để thấy được tác động tích lũy chứ không nên chỉ đánh giá riêng lẻ từng dự án.
Trong điều kiện ĐTM của dự án còn nhiều khuyết thiếu về thông tin và còn rất nhiều tranh cãi xung quanh tác động, các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí cho rằng quá trình tham vấn 6 tháng là không đủ và cần có thêm thời gian để có thêm các nghiên cứu sâu hơn trước khi có quyết định về dự án.
Dự kiến, ngay trong tuần này VNMC sẽ tiếp tục tổ chức hai cuộc tham vấn quốc gia đối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Thủy điện Don Sahong là một trong 11 công trình thủy điện được đề xuất trong Báo cáo Quy hoạch thủy điện đập dâng trên dòng chính sông Mê Kông do Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) thực hiện năm 1994. Đây là một trong 9 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông mà Lào dự kiến xây dựng.
Theo quy định của Hiệp định Mê Kông 1995, vì được xây dựng trên dòng chính sông Mê Kông, dự án Don Sahong phải thực hiện Quy trình Thông báo, tham vấn và thỏa thuận trước (PNPCA), dự kiến diễn ra ít nhất 6 tháng. Dự án Don Sahong đã chính thức bắt đầu tham vấn vào ngày 25/7/2014. Trước đó, dự án đầu tiên trên dòng chính Mê Kông Xayaburi đã thực hiện PNPCA và kết thúc quy trình này trong 6 tháng mặc dù các quốc gia thành viên MRC chưa đi đến thỏa thuận chung. Dự án Xayaburi đến nay đang được triển khai xây dựng và đã hoàn thiện được hơn 30% tiến độ. |
Bạch Dương/Tạp chí ĐT Văn Hiến