ThienNhien.Net – Dưới đây là ý kiến của nhiều nhà khoa học kiến nghị đẩy nhanh hơn nữa tiến trình loại bỏ amiang tại Việt Nam.
“Rẻ” thành “đắt”
Giả sử bạn mua tấm lợp chứa amiang vào năm 2014. Bạn lợp nhà và sử dụng trong vòng 10 năm. Đến năm 2025 bạn bị chẩn đoán mắc một bệnh liên quan amiang và vào viện điều trị, phải nghỉ ốm, phải tuân thủ phác đồ điều trị tốn kém mà không biết có hồi phục không. Những ngói lợp “rẻ” mà bạn đã mua 10 năm trước giờ đây trở nên rất đắt vì phải cộng thêm chi phí do không làm việc được và tiền mua thuốc men cao. Chi phí của việc sử dụng vật liệu chứa amiang không còn là rẻ nữa, mà thậm chí rất đắt và như vậy càng đẩy con người ta vào đói nghèo”.
TS Gabit Ismalov, Quyền trưởng nhóm sức khỏe nghề nghiệp, tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam
Sự “thắt – mở” của chính sách
Trong “lịch sử” các chính sách liên quan tới amiang ở nước ta, có rất nhiều quy định của các cơ quan nhà nước với nội dung đối lập nhau.
Năm 1998, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ Xây dựng ra Thông tư liên tịch cấm sử dụng amiang amphibole (xanh và nâu), cho phép sử dụng chrysotile (amiang trắng) với các yêu cầu nghiêm ngặt. Đến năm 2001, quyết định số 115/2001/QĐ- TTg ngày 1/8/2001 khẳng định: “Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cần có kế hoạch nghiên cứu và sử dụng vật liệu thay thế cho amiang trong sản xuất tấm lợp. Kiểm tra nghiêm ngặt các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng aming hiện có theo tiêu chuẩn môi trường và y tế, không tăng sản lượng và không đầu tư mới cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiang. Từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiang trong sản xuất tấm lợp”.
Hỗ trợ thuế để có tấm lợp giá rẻ
Qua 4 đợt khảo sát tại các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sản xuất tấm lợp dùng nguyên liệu sợi PVA thay thế amiang, chúng tôi thấy doanh nghiệp lo ngại về sự độc quyền phân phối của các nguyên liệu nhập, trong khi cơ hội sử dụng vật liệu thay thế trong nước thì rất ít. Muốn tấm lợp không amiang đến được với đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, để thay thế tấm lợp độc hại hiện nay, thì cần hạ giá thành sản xuất. Và một trong số các yếu tố hạ giá thành là giảm chi phí về nguyên liệu thay thế amiang. Trong lúc chưa có nguyên liệu thay thế amiang trong nước sản xuất, thì Nhà nước nên có chính sách hạ thuế nhập khẩu đối với sợi PVA và các nguyên liệu khác, để sản xuất tấm lợp không amiang. Kiến nghị của Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ |
Tuy nhiên, đến năm 2004, quyết định 115 bị sửa đổi bằng nội dung ghi trong Quyết định 133/2004/QĐ – TTg ngày 28/7/2004. Theo đó, Chính phủ không cấm sử dụng amiang nói chung mà cấm sử dụng amiang nâu và xanh, còn amiang trắng thì không đầu tư mới, không mở rộng sản xuất các cơ sở sản xuất tấm lợp có sử dụng cốt sợi amiang trắng. Đến năm 2008, quyết định số 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/8/2008 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến 2020 khẳng định: chỉ cho phép amiang trắng được sử dụng đến năm 2020 với yêu cầu bảo đảm các yêu cầu về môi trường và y tế.
Vậy nhưng đến năm 2014, quyết định số 1469/2014/ QĐ- TTg ngày 22/8/2014 phê duyệt tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 lại tiếp tục cấm amiang xanh và nâu, trong khi amiang trắng thì đến sau 2020 ngành xây dựng mới xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng. Theo văn bản này thì amiang trắng sẽ còn tồn tại đến “định hướng” năm 2030 – như vậy sẽ là quá muộn.
Ngay sau đó, công văn 7307/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ ngày 19/9/2014 về việc triển khai đánh giá và kiểm soát tác hại vật liệu amiang trắng đến sức khỏe con người, có yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, dừng xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020; đồng thời tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh các nội dung có liên quan trong Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030.
Theo tôi, việc các chính sách liên quan tới amiang không được nhất quán sẽ khiến các doanh nghiệp tấm lợp không mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tấm lợp “sạch” không amiang; đồng thời cũng ảnh hưởng tới nhận thức của người dân, khiến vật liệu độc hại này chậm bị loại bỏ trong cộng đồng.
BS Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ
DN cần chuyển hướng sản xuất
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, xử lý theo quy định các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không thông tin chính xác, đầy đủ về tác hại của vật liệu đến sức khỏe người sử dụng. Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa. Do vậy, ngành xây dựng cần có kế hoạch trong ngắn hạn chuyển hướng sản xuất tấm lợp chứa amiang sang sản xuất tấm lợp không amiang để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời bảo đảm việc làm ổn định lâu dài, bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh nghề nghiệp do amiang gây ra cho người lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội TC và BVNTD VN
Bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Về vấn đề amiang, Bộ Y tế có một số kiến nghị sau:
Trước hết, với với Quốc hội, Bộ Y tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hóa chất, Luật Bảo vệ môi trường đối với amiang trắng nhằm giảm tác hại của amiang trắng đối với sức khỏe cộng đồng.
Với Chính phủ, Bộ Y tế kiến nghị: Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đều kêu goị các quốc gia thành viên chấm dứt sử dụng tất cả các loại amiang (bao gồm cả amiang trắng) để dự phòng các bệnh liên quan đến amiăng. Là một quốc gia thành viên, Việt Nam cần có những quyết định kịp thời và không nên kéo dài việc sử dụng amiang nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động và đặc biệt sức khỏe cho người tiêu dùng và cộng đồng.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng tổ chức hướng dẫn các cơ sở sản xuất tấm lợp đang sử dụng amiang chuyển đổi sang dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiang và tiến tới không sử dụng amiang trong sản xuất tấm lợp từ năm 2020; chỉ đạo Bộ Công Thương (phụ trách về Công ước Rotterdam về hóa chất công nghiệp) không phản đối đưa amiang trắng vào Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam của Liên Hợp Quốc tại hội nghị năm 2015 và đưa amiang trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát nghiêm ngặt theo Luật Hóa chất năm 2007. Với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường nghiên cứu các loại vật liệu thay thế amiang, các phương pháp xử lý an toàn đối với chất thải nguy hại có chứa amiang trong môi trường và cộng đồng, đồng thời tăng cường năng lực quản lý chất thải có chứa amiăng; và bổ sung những quy định pháp lý về xử lý chất thải rắn có chứa amiang đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất sử dụng amiang và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ sức khỏe cho người lao động và môi trường lao động. Bộ Tài chính xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích về thuế đối với doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không sử dụng amiang và ưu đãi đối với việc nhập khẩu vật liệu thay thế amiang. Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường các hoạt động truyền thông về tác hại của amiang và khuyến khích sản xuất vật liệu thay thế amiang ở Việt Nam.
Bộ Y tế cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ Y tế chủ trì việc xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia loại bỏ các bệnh do amiang” theo chủ trương và kế hoạch của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó tập trung vào giám sát tiếp xúc bụi amiang và sức khỏe người lao động, cộng đồng; Tăng cường năng lực chẩn đoán sớm các bệnh liên quan đến amiang tại các bệnh viện; Bổ sung bệnh do amiang vào danh mục các bệnh nghề nghiệp đền bù; Tuyên truyền cho người lao động và cộng đồng phòng chống các bệnh do amiang…)
Ông Trần Anh Thành Trưởng phòng SKLĐ PCTT HEMA, Cục Quản lý môi trường- Y tế