ThienNhien.Net – Vào khoảng 9h sáng ngày 17/12, tại khu vực thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn đã xảy ra một vụ cháy rừng.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, các đơn vị chức năng huyện Sóc Sơn đã huy động 1.178 người, bao gồm dân quân, công nhân lâm trường, Nhân dân các địa phương lân cận, cùng khoảng 40 phương tiện chữa cháy các loại tham gia dập tắt đám cháy. Huyện Sóc Sơn cũng kêu gọi sự trợ giúp của đội phòng cháy chữa cháy các huyện Đông Anh, Khu Công nghiệp Nội Bài và Sân bay Quốc tế Nội Bài tới tham gia ứng cứu, hỗ trợ. Đến khoảng 11 giờ 20 phút cùng ngày, đám cháy đã cơ bản được dập tắt.
Theo tin từ Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 17/12, một số tỉnh đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng, trong đó, có 6 tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (Cấp nguy hiểm). Do đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 yêu cầu UBND các tỉnh và chủ rừng tại các địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Thắng Văn |
Ông Tạ Văn Chiêm – Giám đốc Ban Quản lý rừng Sóc Sơn cho hay, tổng diện tích rừng bị cháy theo thống kê vào khoảng 4ha, trong đó, khoảng 3,4ha thuộc quản lý của Sư đoàn 371, phần còn lại thuộc quản lý của Trung tâm Phát triển lâm nghiệp (Sở NN&PTNT Hà Nội). Diện tích bị cháy chủ yếu là rừng keo và thông trên 10 năm tuổi. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, đám cháy bùng phát trên diện tích rộng như trên là do điều kiện thời tiết những ngày qua rất hanh khô, lại có gió mùa mạnh cấp 6-7. Hiện, các đơn vị chức năng địa phương đang phối hợp với Công an khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá thiệt hại sau vụ cháy.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, ngay sau khi đám cháy được dập tắt, lãnh đạo địa phương đã tiến hành họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Theo đó, hiện tại, huyện đang đề nghị các đơn vị quản lý rừng khẩn trương hạ thấp độ cao thảm thực bì, tiếp tục theo dõi sát diễn biến sau vụ cháy, đặc biệt là quản lý chặt chẽ khu vực rừng nằm giáp ranh đám cháy nhằm ngăn chặn đám cháy có thể bùng phát trở lại. Trong những ngày tiếp theo, cán bộ kiểm lâm sẽ được giao nhiệm vụ ứng trực tại khu vực xảy ra cháy 24/24 giờ.
Cũng theo ông Phạm Văn Minh, hiện trên địa bàn huyện Sóc Sơn có khoảng 4.500ha rừng phòng hộ, trong đó, theo phân cấp của TP Hà Nội, huyện được giao quản lý khoảng 2.300ha, còn lại 2.200ha được TP giao cho Trung tâm Phát triển lâm nghiệp. Thực tế, phần lớn các đám cháy đều nằm trên diện tích rừng do Trung tâm Phát triển lâm nghiệp quản lý. Chính vì vậy, huyện kiến nghị UBND TP Hà Nội có sự phân cấp rõ ràng để tránh sự chồng chéo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện hiện nay.
Như vậy, tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 8 vụ cháy và 11 điểm cháy (tức là chỉ bắt đầu cháy thảm thực bì, chưa ảnh hưởng tới cây rừng). Tất cả các vụ cháy đều được kiểm soát và dập tắt ngay sau đó.