ThienNhien.Net – Do sự độc hại có thể gây ra đối với sức khỏe con người, nên vật liệu amiang dùng để sản xuất tấm lợp fibroximang (loại xám và xanh) đã bị loại bỏ tại Việt Nam từ năm 1998. Tuy nhiên, amiang trắng vẫn tồn tại, mặc mọi khuyến cáo.
Đặc biệt, tại miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện kinh tế khó khăn cùng trình độ của người dân còn hạn chế, việc sử dụng tấm lợp có chứa amiang khá phổ biến.
Trong khi lộ trình cấm sản xuất vật liệu xây dựng chứa amiang tại Việt Nam đang là vấn đề bàn cãi, thì tại nhiều địa phương, việc sử dụng tấm lợp có chứa chất độc hại này lại được đưa vào chương trình nhận hỗ trợ từ Nhà nước.
Tràn lan sử dụng
Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, anh Lương Văn Ký (thôn An Bình, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) được vay 11 triệu đồng từ chương trình xóa đói giảm nghèo của xã để xây nhà ở. Anh Ký cho biết: Nếu xây dựng nhà “3 cứng” (nền cứng – đổ xi măng, tường cứng – xây gạch, và mái cứng – lợp fibroximang) thì sẽ được hỗ trợ kinh phí xây dựng.
“Thế thì tôi lợp mái fibroximang thôi, thấy bán nhiều và nhiều ngưởi sử dụng, tiện lợi thì dùng. Nào biết nó độc hại như thế nào. Mỗi tội: mùa đông ấm nhưng mua hè thì oi bức, ngột ngạt” – anh Ký tâm sự.
Hiện nay, tại các tỉnh miền núi, vùng sâu của nước ta, tình trạng sử dụng tấm lợp fibroximang để làm nhà như anh Duyên không hiếm. Mỗi năm, 41 cơ sở sản xuất tấm lợp fibroximang của nước ta cung ứng ra thị trường khoảng 100 triệu m2 tấm lợp, với nguyên liệu sản xuất là amiang trắng.
“Tấm lợp fibroximang chứa amiang được sản xuất và cung cấp chủ yếu cho người dân miền núi, dân nghèo và trước khi là chương trình 135 để phát cho hộ nghèo”-BS Đỗ Thị Vân, Giám đốc Trung tâm thông tin tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) cho biết “tiết lộ” của các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp fibroximang về đầu ra sản phẩm.
Còn theo TS. BS Trần Tuấn, đoàn khảo sát “Thực trạng sử dụng sản phẩm chứa amiang của người dân” do Nhóm hợp tác thúc đẩy và phát triển chính sách y tế dựa vào bằng chứng khoa học (EBHPD) và NGO-IC thực hiện tại các xã thuộc tỉnh Yên Bái và Thanh Hóa đã chỉ rõ: tại các địa phương miền núi và vùng biển được khảo sát, tấm lợp chứa amiang rất phổ biến, với hơn 85% hộ dân sử dụng, trong đó xấp xỉ 50% dùng để lợp mái nhà. Cùng với thời gian, sự phát tán amiang từ các tấm lợp vào khí thở của con người là điều có thật. Bên cạnh đó, theo TS Lương Mai Anh (Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường, Bộ Y tế, thói quen của người dân nông thôn, miền núi là hứng nước mưa từ các mái nhà lợp fibroximang để sử dụng cũng tiềm ẩn nguy cơ thôi nhiễm sợi amiang. Chưa kể, sau thời gian sử dụng, các tấm lợp cũ được đập, nghiền để dân làm nhồi gạch, làm móng, nền nhà… lại tiếp tục có khả năng phát tán bụi amiang vào cộng đồng dân cư.
Nếu sử dụng vật liệu có chứa amiang, sức khỏe của người dân nghèo về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ tiếp tục là nguyên nhân đói nghèo, do ốm đau, mất sức lao động và chi phí điều trị tốn kém. Ngoài ra, chi phí xử lý chất thải độc hại cũng gây tốn kém lâu dài cho xã hội” – Văn bản của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ (tháng 8/2014) nêu rõ.
Hiện tại, trên toàn quốc, chưa có con số thống kê về số lượng những ngôi nhà có sử dụng tấm lợp chứa amiang. Tuy nhiên, trong điều kiện cả nước đang thực hiện xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí “3 cứng” về nhà ở, thì các tấm lợp fibroximang được sử dụng khá phổ biến. Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà ở nông thôn đạt chuẩn Bộ Xây dựng quy định có nêu 3 cứng là “nền cứng, khung cứng, mái cứng, niên hạn sử dụng từ 20 năm trở lên”. Nội dung này khi không có các hướng dẫn chi tiết, thì tại các địa bàn còn khó khăn về kinh tế và điều kiện vận chuyển vật liệu xây dựng như các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc “vận dụng” để sử dụng mái fibroximang là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tình trạng này cũng thường xảy ra với chương trình xóa đói giảm nghèo ở một số địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.
”Kẻ sát nhân thầm lặng”
Amiang là tên gọi chung của loại sợi khoáng silicat, có kích thước rất nhỏ, có thể phát tán trong không khí. amiang gồm các nhóm trắng, xanh và nâu, khi pha trộn để sản xuất thì có thể cho ra các loại vật liệu có tính bền vững cao: vật liệu xây dựng, cách nhiệt, cách âm, má phanh ô tô… Tại Việt Nam, amiang chủ yếu được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibroximang với giá thành khá rẻ (khoảng hơn 30.000 đồng/m2, đặc biệt khi lợp fibroximang, không cần nhiều các yêu cầu về khung công trình nên giảm giá thành xây dựng.
Tuy nhiên, những tác hại của amiang đến sức khỏe con người lại rất lớn. amiang do có kích thước nhỏ nên dễ phát tán trong không khí và xâm nhập vào cơ thể con người qua hô hấp. Theo cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), amiang có thể gây ra một số bệnh hiểm nghèo cho con người như: là nguyên nhân duy nhất gây ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim), là một trong các nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư thanh quản, thực quản, buồng trứng. Công bố của Bộ Y tế đầu năm 2014: trong số 447 trường hợp bệnh liên quan đến amiang nhập viện giai đoạn 2009 – 2011, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi, trong đó có 6 ca tiếp xúc với amiang, 5 trường hợp ở mái nhà lợp amiang và 1 ở gần mỏ khai thác amiang. Tại Chí Linh (Hải Dương), người dân sống quanh nhà máy sản xuất amiang Thiên Lộc thống kê: có 20 người chết và 6 người hiện đang mắc ung thư – hầu hết đều sống sát cạnh tường nhà máy.
Thông tin từ Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm có 107.000 người chết vì amiang. Tại Việt Nam, theo tính toán của các nhà khoa học, nếu còn tiếp tục sử dụng amiang trong sản xuất các loại vật liệu, sẽ có thêm 6.600 ca ung thư biểu mô, nhiều hơn cả số lượng tổng số công nhân đang làm việc trong các nhà máy sản xuất tấm lợp hiện nay của Việt Nam.
“Cách hữu hiệu nhất để loại bỏ các bệnh liên quan tới amiang đối với con người là loại bỏ việc tiếp xúc với amiang” – TS Gabit Ismalov Quyền trưởng nhóm sức khỏe nghề nghiệp, tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định. Việc loại bỏ amiang cũng là kiến nghị của hầu hết các nhà khoa học và nhà vận động chính sách trong nước trong các hội thảo khoa học về amiang được tổ chức gần đây.
Trên thực tế, từ năm 1998, nước ta đã cấm sử dụng amiang xanh và nâu, chỉ cho phép sử dụng amiang trắng với các yêu cầu nghiêm ngặt. Tuy nhiên nhiều văn bản tiếp theo “nới” hạn dùng amiang trắng đến 2020, và gần đây lại có chủ trương giao Bộ Xây dựng lộ trình cấm amiang trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng, với “mốc” là “định hướng đến 2030”.
Việc “lùi mốc” liên tục này, theo các nhà khoa học, là một trong các nguyên nhân khiến các tấm lợp fibroximang – “kẻ sát nhân thầm lặng” vẫn tồn tại và phổ biến tại các địa phương.