ThienNhien.Net – Ngày 18/12, tại Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp), Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tổ chức lễ công nhận cây Khế, cây Sộp tại Khu di tích mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc là cây Di sản Việt Nam. Cây Khế, cây Sộp là những cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đồng thời là một trong số rất ít những cây đặc biệt ở nước ta được công nhận là cây Di sản Việt Nam, đưa tổng số cây Di sản Việt Nam lên 719 cây.
Cây Khế 287 năm tuổi và cây Sộp 326 năm tuổi được ông Ngô Văn Hay tức thầy giáo Kỳ ở làng Tân Hưng, Sa Đéc trước đây vì mến mộ và biết ơn cụ Phó Bảng đã hiến tặng cho Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1977. Đây là những thực thể sống đã trường tồn cùng thời gian, là minh chứng lịch sử của Đồng Tháp trong suốt gần 3 thế kỷ.
Được biết, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khi còn được trồng trong sân nhà và vườn kiểng của thầy giáo Kỳ ở làng Tân Hưng, Sa Đéc (nay thuộc phường 4, thành phố Sa Đéc), gia đình thầy giáo Kỳ đã đào hầm phía dưới 2 gốc cây này để che giấu cán bộ cách mạng và chưa lần nào bị địch phát hiện. Cùng với những cây kiểng quý khác trong sân nhà và vườn cây kiểng của thầy giáo Kỳ, cây Khế và cây Sộp chính là di tích che giấu cán bộ tại Sa Đéc.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hòa Bình – đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận cây Khế, cây Sộp là 2 cây Di sản Việt Nam cho ông Nguyễn Công Lý, đại diện Khu di tích mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau gìn giữ lâu dài những di sản vô giá này cho con cháu mai sau, qua đó, tiếp tục bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của nước ta, giới thiệu phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới.
Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam mong muốn mọi người góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ 2 cây Di sản này.