ThienNhien.Net – Chiếm 19% số vụ tham nhũng, hối lộ được thống kê, ngành khai thác khoáng sản, dầu mỏ chiếm vị trí đầu trong danh sách các ngành công nghiệp tham nhũng nhất thế giới, theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
OECD đã phân tích hơn 427 trường hợp liên quan đến hối lộ quan chức nước ngoài trên toàn thế giới bao gồm cả các công ty, cá nhân từ 41 quốc gia tham gia Công ước chống tham nhũng, từ tháng 2 năm 1999, khi Công ước có hiệu lực, đến tháng 6 năm 2014.
Theo phân tích, gần 2/3 các trường hợp tham nhũng là thuộc bốn lĩnh vực: khai khoáng (19%); xây dựng (15%); vận chuyển và lưu kho (15%); và thông tin và truyền thông (10%). Báo cáo cho thấy hầu hết các khoản hối lộ quốc tế đều từ các công ty lớn và các quản lý cấp cao thường biết đến thực tế đó.
Các khoản hối lộ thường nhằm mục đích giành hợp đồng từ các công ty nhà nước hoặc các công ty chi nhánh tại các nền kinh tế phát triển chứ không phải tại các quốc gia đang phát triển. Hầu hết các bên tham gia hối lộ đều là từ các nước giàu. Trong hầu hết các trường hợp, hối lộ được sử dụng để dành các hợp đồng mua sắm công (57%), tiếp theo là thủ tục hải quan (12%); 6% hối lộ để được hưởng ưu đãi thuế.
Trong các trường hợp được phân tích, số tiền hối lộ tương đương 10,9% tổng giá trị giao dịch trung bình và 34,5% lợi nhuận – tương đương với 13,8 triệu USD mỗi lượt hối lộ. Tuy nhiên, tính đến sự phức tạp và bản chất bí mật của các giao dịch tham nhũng, con số này được đánh giá chỉ đơn thuần là bề nổi của tảng băng chìm.
Đối tượng được hối lộ thường xuyên nhất là các nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, chiếm 27%, sau đó là các quan chức hải quan (11%), các quan chức y tế (7%) và các quan chức quốc phòng (6%). Các bộ trưởng và các thị trưởng đã bị mua chuộc trong 5% trường hợp, chiếm 11% tổng khoản tiền hối lộ.
Báo cáo cũng cho rằng thời gian để đưa ra phán quyết về các vụ hối lộ ngày càng tăng ngày càng tăng, từ khoảng trung bình hai năm đối với các vụ án năm 1999, nay đã lên tới bảy năm. Điều này cho thấy mức độ phức tạp tăng dần của thực trạng hối lộ, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật trong điều tra vụ việc, hoặc chứng tỏ rằng các công ty và cá nhân không còn có thiện chí giải quyết vấn đề như trước.
Trong số 41% các trường hợp, nhân viên cấp quản lý là người trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo hành động hối lộ, trong khi các giám đốc điều hành công ty có liên quan trong 12% các trường hợp. Các bên trung gian, bao gồm các đại lý, nhà phân phối và môi giới tham gia vào 3/4 trong số 41% trường hợp hối lộ quốc tế.
Với các phân tích đưa ra, Báo cáo khuyến nghị các chính phủ cần nỗ lực hơn trong giải quyết nạn hối lộ và tham nhũng bằng cách tăng cường biện pháp trừng phạt, thực hiện thanh toán công khai và tăng cường bảo vệ người tố cáo.