ThienNhien.Net – Câu chuyện của người viết với anh Trần An – nhân viên bảo vệ Công ty Điện lực Đà Nẵng được bắt đầu từ những chiếc bóng đèn…
Như đã hẹn trước, tôi đến thăm nhà anh vào một buổi chiều trời mưa. Khi anh đẩy cửa đón tôi vào thì cũng là lúc hệ thống đèn phòng khách nhà anh bật sáng. Tham quan một vòng, tôi nhận ra tất cả các gian phòng khác trong không gian sống ấy đều cùng một chức năng: đẩy cửa bước vào thì đèn tự động bật sáng, khép cửa lại thì đèn cũng được tắt.
Đoán chừng thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, anh chậm rãi nói về ý tưởng “ngộ nghĩnh” của mình. Đó là làm ra những chiếc bóng đèn hoạt động theo cơ chế tự bật khi sử dụng và tự tắt mỗi khi không dùng đến. Hơn thế là chế tạo hệ thống tích hợp năng lượng để sử dụng cho các thiết bị, tiết kiệm nguồn điện cho “Nhà đèn”.
Từ suy nghĩ ấy, anh bắt tay vào thực hiện. Ngoài giờ làm việc, anh lại cần mẫn tìm đồ phế thải để tái chế. Anh bắt đầu làm quen với những cô “ve chai”, những người bán đồ cũ ở “chợ trời” và gom về những tấm pin phế thải, môtơ, bình ắc quy hỏng… Sau đấy, lại tìm tòi rồi tháo bung các vật dụng ra để lấy vài chi tiết nhỏ. Cứ như vậy, anh làm rồi bỏ, bỏ rồi làm lại, điện chập cháy, nổ nhưng anh vẫn không nản chí. Một tuần, hai tuần, rồi một tháng… 3 tháng trôi qua, anh đã nghiên cứu và lắp đặt thành công hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời đồng thời lắp thêm một quạt gió để sử dụng trong những ngày mưa ngay trên mái nhà của mình vào năm 2010.
Tiếp đến, anh đã tự chế đèn led để sử dụng chính nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió mà mình đã lắp đặt. Một điều thú vị là nếu năm 2010 đèn led tự chế đã được anh sử dụng ngay trong chính gia đình mình thì đến năm 2012, thiết bị này mới xuất hiện trên thị trường. Tuổi thọ trung bình của thiết bị lên đến 30.000 giờ, trong khi đó bóng đèn bình thường ở ngoài thị trường chỉ 10.000 giờ. Với các vật dụng trong gia đình như quạt, tivi, anh cũng dùng bộ chuyển đổi từ DC ® AC 220v, với công suất 1.000W. Đối với quạt, anh mua môtơ máy phôtô, scan cũ về chế tạo gia công, gá trục gắn cánh quạt để bắt môtơ (nguồn DC) đặt 1 diốt chống ngược để sử dụng. Thiết bị của anh khi sử dụng đảm bảo độ an toàn cao, bởi anh đã chế tạo thiết bị kiểm tra độ an toàn của hệ thống. Khi có sự cố pin chập, đèn chập thì hệ thống cầu chì tự cắt đảm bảo an toàn không xảy ra tai nạn.
Từ ý tưởng bất ngờ khi đưa vào thực tế ấy, gia đình anh đã tiết kiệm đến 80% lượng điện năng tiêu thụ so với trước đây. Về mùa nắng, toàn bộ hệ thống đèn, quạt, tivi… nhà anh đều sử dụng năng lượng mặt trời. Về mùa mưa thì dùng năng lượng gió. Đặc biệt, năm 2013 toàn thành phố mất điện do sức tàn phá khá nặng của cơn bão Hayang nhưng gia đình anh vẫn có điện dùng. Hơn thế nữa, nguồn điện từ năng lượng thiên nhiên đã giúp cho nhiều gia đình trong khu vực sử dụng cho đến khi khôi phục được điện lưới.
Chịu khó tìm tòi, đam mê nghề nghiệp nhưng điều thú vị là anh An lại là thợ may “chính hiệu”. Sau giải phóng, gia đình anh chuyển từ H. Phú Lộc, tỉnh TT-Huế vào Đà Nẵng. Thế rồi, anh vào làm công nhân Phân xưởng lưới điện, Sở Điện lực Đà Nẵng. Sau lớp bồi dưỡng “Điện xí nghiệp”, anh phụ trách sửa chữa điện tại Chi nhánh điện KV1 (Điện lực Hải Châu ngày nay). Để phù hợp với điều kiện sức khỏe, năm 2008, anh được bố trí làm nhân viên bảo vệ. Tại vị trí mới, niềm đam mê ấy vẫn không ngừng thôi thúc anh. Trong căn nhà nhỏ của anh, vì thế đâu đâu cũng là “đồ nghề” ốc vít, bình ắc quy, quạt hỏng… Ngoài giờ làm việc ở Công ty, về đến nhà là anh mày mò nghiên cứu nhiều lúc đến quên ăn, quên ngủ.
Từ thành công của mô hình tiết kiệm điện nhà anh, tiếng lành đồn xa. Anh đã nhân rộng mô hình này không chỉ ở gia đình những người thân quen, tại khách sạn – sử dụng pin mặt trời cho hệ thống đèn hiệu quảng cáo tại Đà Nẵng, mà còn mở rộng đến tận Quảng Ngãi hay Gia Lai. Chỉ với chi phí 20 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Vinh – chủ rẫy cà phê tại H. Kbang – Gia Lai đã có điện để thắp sáng 2,5ha cà phê với 12 bóng đèn led và tivi để giải trí. Thế là từ vùng đất chưa có điện, mỗi ngày phải dùng máy nổ hết khoảng 250.000đ tiền dầu, trung bình 7,5 triệu đồng/tháng, 90 triệu đồng/năm, chịu áp lực tiếng ồn và ô nhiễm bởi khí thải, gia đình anh Vinh giờ đây đã có thể nâng cao hiệu quả kinh tế như chia sẻ đầy phấn khởi: “Giờ gia đình mình sướng lắm, được dùng năng lượng sạch, an toàn và hàng tháng khỏi phải lo trả tiền dầu chạy máy nổ”.
Không chỉ là tiết kiệm điện cho gia đình, cho bạn bè và những người xung quanh, mô hình ấy cũng chính là sự nhân rộng hữu hiệu ý thức tiết kiệm điện trong cộng đồng. Với người bảo vệ ấy, tâm huyết trong anh còn là niềm mong mỏi được nhân rộng mô hình năng lượng sạch tại cả những đỉnh đèo Hải Vân, những vùng giáp ranh Huế và Đà Nẵng để thắp sáng phục vụ khách dừng chân, nâng cao tính an toàn; nhân rộng nguồn năng lượng sạch ở cả những biển hiệu quảng cáo, tiết kiệm điện, tiết kiệm nguồn tài nguyên cho đất nước. Một mong mỏi giản dị mà đáng quý…