ThienNhien.Net – Không chỉ nhốt giữ trái phép các loại động vật hoang dã, ở Bình Phước, hai cơ sở Bình Hoa (phường Phước Thiện, thị xã Đồng Xoài) và Long Nga (xã Phú Thạnh, huyện Bù Gia Mập) còn tổ chức giết mổ, tàn sát các loại thú rừng quý hiếm rất dã man khi khách có nhu cầu. Để “hái tiền” từ các hoạt động phi pháp này, hai “rừng thú hoang dã” Bình Hoa, Long Nga còn tổ chức phân phối thú rừng sống, thịt thú rừng đi nhiều tỉnh thành với những chiêu thức rất tinh vi.
Mèo rừng, hổ mang chúa… cần là có
“Ở xứ núi này, các món chân dài, rượu ngoại có thể thiếu. Riêng đặc sản thú rừng thì thừa, có tiền sẽ “thịt” được tất cả những con vật theo ý thích. Vì vậy mà vùng đất cằn cỗi toàn cây cao su, cây điều vẫn đón rất nhiều khách thập phương lui tới” – T., một người bạn ở huyện Bù Gia Mập kể với chúng tôi như thế. Chứng minh điều mình nói, T. dẫn chúng tôi tiếp cận hơn chục quán nhậu ở xã Phú Riềng, từ các nhà hàng lớn như Hưng Quán, Hồng Hưng, đến những quán lá xập xệ như “ba số bảy”… đều đáp ứng được món đặc sản “thịt rừng” do thực khách yêu cầu. Ghé quán “ba số bảy”, chúng tôi được ông chủ trẻ tên Lộc hồ hỡi giới thiệu hàng loạt món đặc sản rừng: rắn hổ mang hầm sả, thỏ xào lăn, chồn hương 3 món (lòng dồi, nướng, hấp), kỳ đà nướng mọi, rùa nổ muối…
“Mấy anh cứ xuống xem (chuồng nhốt thú vật dưới bếp – PV), được con nào em xử tại chỗ luôn con đó, đảm bảo hàng sống chất lượng, không bị thương. Nếu khoái những con khác anh cứ nói, em liên hệ có hết”, Lộc giới thiệu. Khi chúng tôi yêu cầu cần một con chồn hương sống khoảng 3,5kg để đem về Sài Gòn đãi sếp, Lộc bảo chờ 10 phút, rồi phóng xe mất hút. Trong tích tắc Lộc mang về một con chồn hương đúng 3,5kg. Nghe chúng tôi hỏi: “Bắt ở đâu nhanh quá vậy?”, Lộc nửa thật nửa đùa: “Gần đây có rừng thú hoang dã, anh muốn con gì có con nấy”. Lấy cớ con chồn hương già (do màu sậm, vuốt dài) ăn không ngon và sợ lực lượng chức năng kiểm tra, bắt trong lúc vận chuyển, chúng tôi không mua. Nghe vậy, Lộc bĩu môi: “Gớm! Ở đây kiểm lâm họ còn vào “thịt” tại chỗ, mấy ông cứ sợ”. Trước khi chúng tôi lên xe rời quán “ba số bảy”, Lộc không quên dặn dò: “Cần rắn hổ mang chúa, rùa hộp ba vạch, mèo rừng thì vào rừng thú hoang dã Long Nga”.
Bên trong “rừng thú hoang dã”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “rừng thú hoang dã Long Nga” là một trong những nơi nuôi nhốt, mua bán, giết mổ thú rừng lớn nhất nhì ở Bình Phước. Là nơi mà các đại gia thường xuyên tới lui để đặt mua, giết mổ những loại thú rừng quý hiếm để làm mồi nhậu, phân phối cho các nhà hàng lớn nhỏ. Cơ sở tàn sát thú rừng này nằm cạnh ngã tư Cầu Đường (xã Phú Riềng), thoạt nhìn không ai nghĩ đó là nơi bắt nhốt, kinh doanh, giết mổ rất nhiều loại thú rừng vì ở trước căn nhà treo bảng “Long Nga nhận hợp đồng tham quan du lịch, cho thuê xe du lịch, vận tải hàng hóa đường dài”, cửa nhà lại luôn đóng hờ. Khác với vẻ im ỉm phía trước, phía sau căn nhà luôn ồn ào với tiếng kêu của các loại động vật rừng, tiếng gào thét của heo rừng, chồn hương, mèo rừng bị giết mổ. Có mặt tại đây vào sáng 10-12, chúng tôi thấy vợ chồng ông Long bà Nga (chủ cơ sở Long Nga) nhốt giữ hàng chục động vật rừng các loại, gồm: mèo rừng, chồn hương, rùa, dúi, kỳ đà, kỳ tôm, tê tê, heo rừng, nhím, sóc bông, rắn hổ mang chúa với đủ kích cỡ khác nhau…. Cạnh khu vực nuôi nhốt là khu vực giết mổ, thịt heo rừng, nai, chồn hương bỏ ngổn ngang.
Khi chúng tôi đặt vấn đề cần mua một lượng lớn chồn hương, mèo rừng, sóc bông, rùa, thường xuyên để chế biến các món ăn đặc sản “thịt rừng” cho nhà hàng sinh thái B.X trên đường Phạm Hùng (Bình Chánh, TPHCM), ông Long không ngần ngại cung cấp một danh bạ các loại động vật rừng, kèm theo số điện thoại và nói “cần cứ gọi, ở đây cung cấp thịt rừng 100%”. Ông Long cho biết, thú rừng ông bán ra lấy từ những tay săn bắt, đánh bẫy chuyên nghiệp bên Campuchia chuyển về. Gần đây, nhiều nhóm săn bắt ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên để giá rẻ hơn, lại có áo xanh (ý nói kiểm lâm địa phương – PV) chống lưng nên ông chuyển qua lấy hàng của nhóm người săn bắt này. Ông Long vừa bỏ ra phía trước, một thanh niên đang làm thịt rắn, quay sang nói nhỏ: “Anh yên tâm, ông chủ em cảnh giác nói vậy thôi, chứ trong tay ổng có cả một đội ngũ săn bắt thú rừng rất cừ. Em cũng là một thợ bắt thú cho ông chủ. Ở Bù Gia Mập này, chủ em mạnh lắm nên anh không phải lo bị bắt, đứt hàng…”.
Nếu như Long Nga là “rừng thú hoang dã” thì điểm nhốt giữ, giết mổ thú rừng Bình Hoa (số 80 đường Nguyễn Huệ, phường Phước Thiện, thị xã Đồng Xoài) là nơi “tàn sát thú”. Cơ sở này do bà Nguyễn Thị Hoa làm chủ. Động vật hoang dã bị bắt, nhốt giữ và giết mổ tại đây theo quan sát của chúng tôi vào những ngày đầu tháng 12-2014 lên đến hàng trăm cá thể. Để qua mắt và đối phó lực lượng chức năng, bên cạnh việc xây dựng chuồng thú kiểu nhà sàn phía sau bếp, dưới chuồng có ao nước rộng để tiện tẩu tán thú khi bị lực lượng chức năng kiểm tra bất ngờ, bà Hoa còn xây một kho nhốt thú rừng khoảng 12m² ở khu đất trống của nhà một người bà con bên cạnh. Tất cả những động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B đều được chủ cơ sở nhốt trong bao lưới, bỏ vào kho, khi khách có nhu cầu thì người của bà Hoa mang vào thỏa thuận và giết mổ. Quan sát trong 3 giờ vào sáng 9-12 tại đây, chúng tôi thấy có hơn chục khách ra vào cơ sở Bình Hoa mua thú rừng, gần chục con chồn hương, rắn hổ mang, tê tê, rùa, thỏ lần lượt bị sát hại một cách dã man. Đáng nói là trong số những khách đến mua có cả khách đi xe biển số xanh.
Địa phương tiếp tay?
Khảo sát tại các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn tỉnh Bình Phước, TPHCM và các tỉnh còn lại của khu vực miền Đông Nam bộ, chúng tôi được biết giá bán chồn hương hiện nay trên dưới 2,5 triệu đồng/kg, rắn hổ mang chúa 4 triệu đồng/kg; tê tê 1,5 – 1,7 triệu đồng/kg, dúi 1 triệu đồng/kg… Với giá bán như trên, hoạt động nhốt giữ, kinh doanh, giết mổ động vật hoang dã trái phép đã và đang mang lại những khoảng lợi nhuận khổng lồ cho chủ các cơ sở. Trong khi đó, hậu quả để lại từ hoạt động phi pháp này là không nhỏ. Hệ sinh thái bị mất cân bằng, nhiều động vật hoang dã quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, tác động xấu đến cuộc sống con người.
Ở Bình Phước, hàng trăm hộ dân sống quanh hai cơ sở Long Nga và Bình Hoa (Bình Phước) còn phải sống trong cảnh bất an, thậm chí bị đe dọa tính mạng. Ông Nguyễn Tuấn H., nhà gần điểm nhốt giữ, giết mổ động vật hoang dã Long Nga, cho hay: “Từ ngày vợ chồng ông Bình bà Hoa (chủ cơ sở Bình Hoa) nuôi nhốt động vật hoang dã, bà con ở đây phải sống trong nỗi hãi sợ mỗi ngày. Cứ vài ngày là có rắn độc thoát ra ngoài. Mới đây, một con rắn hổ mang chúa to như con trăn thoát ra chui vào nhà dân ăn cả vịt con, may mà chủ cơ sở bắt lại được, nếu không dân ở đây chẳng dám ăn ngủ”.
Thật khó hiểu khi cơ sở Long Nga chỉ cách UBND xã Phú Riềng (huyện Bù Gia Mập) chưa đến 300m và khoảng cách từ cơ sở Bình Hoa đến Chi Cục kiểm lâm tỉnh Bình Phước chỉ mất 5 phút đi xe máy. Thế nhưng, nhiều năm qua, hoạt động nhốt giữ, kinh doanh, giết mổ động vật hoang dã của hai cơ sở này vẫn không bị chính quyền, cơ quan chức năng “sờ gáy”. Lẽ nào các cơ quan chức năng không biết?