ThienNhien.Net – Dù chính thức đóng cửa từ năm 2002, nhưng hàng ngày xe rác vẫn ùn ùn đổ về bãi rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM). Điều nguy hiểm là tình trạng ô nhiễm ở bãi rác này ngày càng trầm trọng đe dọa cuộc sống và sinh mạng không chỉ với người dân sống ở đây mà cả địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Vì sao?
Bãi rác Đông Thạnh hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải độc hại của bãi rác chảy ra kênh Rạch Tra hòa vào sông Sài Gòn gây ô nhiễm nguồn nước, nguy hiểm cho toàn thành phố. Hiện nay, sống cạnh bãi rác này có hàng chục người đang bị ung thư và hàng chục người đã chết vì căn bệnh này.
Ô nhiễm và độc hại
Dù đã có lệnh đóng cửa bãi rác hơn 10 năm nay, nhưng nhiều xe rác vẫn ùn ún kéo về bãi rác này. Ông Trần Văn Ước (ở 152, ấp 7, xã Đông Thạnh, Hóc Môn, một người sống lâu năm ở trước cổng vào bãi rác Đông Thạnh) đưa cho chúng tôi một tập hồ sơ về chuyện ô nhiễm và tiêu cực ở bãi rác Đông Thạnh mà báo chí đã đăng tải cùng Đơn kiến nghị của ông viết gửi cho lãnh đạo TP. HCM.
Khu vực này là vùng đất dành cho dự án giãn dân từ trước năm 1980 theo chủ trương đưa dân từ quận 4, quận 1 giãn cư kinh tế mới ra ngoại ô. Thời gian sau thì bãi rác Đông Thạnh hình thành bên cạnh khu dân cư và họ phải chung sống với núi rác cùng sự ô nhiễm do chất độc hại từ bãi rác này gây ra. Từ năm 1999, thành phố quy hoạch thêm vườn ươm (thuộc công ty Cây xanh đô thị) ở gần bãi rác cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường vì nhân viên vườn ươm thường phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Thêm vào đó là việc hàng trăm tấn rác thải độc hại đổ về bãi rác (dù đã có chủ trương đóng cửa bãi rác này) khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. “Qua hàng chục năm ủ rác, nước thải độc hại của bãi rác đã ngấm sâu vào đất vào vào mạch nước ngầm; đồng thời bị rò rỉ ra sông Rạch Tra gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Cách tâm bãi rác khoảng vài km, nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm nặng khiến người dân không dùng để nấu nướng được. Người dân nơi đây nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo thành phố nhưng chưa thấy giải quyết”- ông Ước nói.
Ông Ước dẫn chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Của, đường ĐT4, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, cách tâm bãi rác khoảng 1,5km. Cách nhà bà Của khoảng 100 mét là trường cấp ba Nguyễn Hữu Tiến. Bà Của cho biết mấy năm trước, khi thấy nguồn nước có mùi lạ, bà lấy mẫu đưa lên Viện Pasteur ở quận 3,TP. HCM kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy nguồn nước ở nhà bà bị nhiễm kim loại nặng, không thể dùng để ăn uống được. Từ đó, bà phải mua nước bình hoặc nước ở nơi khác để nấu nướng, còn nước giếng thì chỉ để dùng tắm giặt.
“Bãi rác này hiện đã quá tải và quá độc hại. Những hôm mưa lớn, nước ngập vỡ bờ bao tràn vào nhà dân gây ngập, chết cây cối và hôi thối không chịu được. Nhưng vì nghèo khó, người dân phải bám trụ mà sống, vì không biết chuyển đi đâu ở”, một người dân kể. Gia đình anh Trần Văn U và chị Phan Thị Soàn có nhà ở sát cạnh bãi rác. Chị Soàn cho biết, mấy cơn mưa lớn vừa rồi, nước từ bãi rác tràn xuống nhà chị hôi thối không chịu được. Sau đó thì cây cối rau quả trong vườn chết dần. Không chỉ vậy, nhà máy xử lý rác thải dưới hình thức đốt cháy rác, hàng ngày lại xả khói mịt mù gây nghẹt thở. Mùi hôi thối theo khói bay vào tận nhà dân. Giữa trưa nắng và sau một cơn mưa to từ đêm trước, chúng tôi còn ngửi thấy mùi hôi xen lẫn mùi cao su bị đốt cháy… bốc lên nồng nặc, nghẹt thở, dù nhà máy đã ngưng hoạt động cách đó mấy giờ.
Hiểm họa ung thư
Từ nhiều năm nay, nhiều người dân ở bên bãi rác đã phải nhập viện vì bệnh ung thư và sau đó lần lượt qua đời. Theo ông Ước và những người dân nơi đây, số người chết vì căn bệnh ung thư đã lên tới con số hàng chục người. Những người hiện đang mang trong mình mầm bệnh quái ác này cũng lên con số tương tự. Có gia đình có tới hai thế hệ cùng bị bệnh ung thư. Đa số họ đều nghèo khổ. Những người dân quanh đây gọi khu vực này là “xóm ung thư”, cái tên nghe thật buồn thảm và bế tắc!
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Uyên Đoan (số nhà 123, tổ 12, ấp 7). Khuôn mặt vàng và xanh xao, mệt mỏi, chị cho biết mình bị bệnh đau lá lách và vừa đi truyền máu về. Chị bị bệnh đã 6 năm, hàng tháng chị đều phải đi truyền máu. Cuộc sống chị Đoan và ba con nhỏ chỉ nhờ vào đồng lương thợ của chồng. Chi phí thuốc men tốn kém rồi những nhu cầu khác cộng với nỗi đau của bệnh tật đang đè nặng lên gia đình chị. Chị lo sợ lỡ mình có mệnh hệ gì thì ba đứa con còn nhỏ dại không ai chăm sóc, nuôi nấng. Gia đình chị hai thế hệ mắc bệnh ung thư. Mấy tháng trước mẹ chị qua đời vì bệnh ung thư.
Một người hàng xóm khác của chị Đoan, nhà số 49, ấp 7, ở phía sau lưng nhà chị Đoan, là anh Cao Tấn Sỹ, cũng là một nạn nhân của căn bệnh ung thư. Anh nằm liệt giường đã nhiều năm qua và cùng lúc mang trong mình hai căn bệnh ung thư tuyến yên và sọ hầu.
Người dân nơi đây cho biết mấy năm nay đã có hàng chục người chết vì căn bệnh ung thư như: Thầy giáo Nguyễn Văn Xướng ở ấp 7 bị ung thư vòm họng, bà Lê Thị Phương bị ung thư da mất năm 2010, ông Nguyễn Văn Hai bị ung thư cuống phổi mất năm 2007. Gia đình ông Võ Văn Luận ở tổ 19, ấp 2, có vợ và con dâu bị ung thư. Vợ ông bị ung thư gan, còn cô con dâu Nguyễn Thị Nhỏ thì bị ung thư cổ tử cung và vú. Túng quẫn vì không còn tiền điều trị ung thư, năm 2007, chị Nhỏ uống thuốc diệt cỏ để tự tử, nhưng may có người phát hiện cứu kịp. Gia đình ông Luận phải vay nợ 50 triệu đồng để đưa chị đi chữa trị.
Dù chưa có một kết quả nghiên cứu khoa học nào cho biết nguyên nhân ung thư của những người dân ở đây có phải là do ô nhiễm môi trường gây ra hay không. Nhưng có một thực tế là nguồn nước và không khí ở đây đang bị ô nhiễm nặng và sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.