ThienNhien.Net – Ngày 10-12, kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM bước sang ngày làm việc thứ hai với phần thảo luận tại hội trường. Những chuyện gắn liền với đời sống người dân như nước sạch, ngập nước, ô nhiễm môi trường… được các đại biểu nêu ra, yêu cầu lãnh đạo các sở ngành trả lời.
Thiếu chỉ tiêu – không có giải pháp hay bó tay?
Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2014 là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu (ĐB). Trong đó việc đánh giá sơ sài và không đưa chỉ tiêu, hoặc có chỉ tiêu nhưng chưa hợp lý của một số lĩnh vực trong báo cáo tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội của UBND TP đã được nhiều ĐB góp ý.
Theo ĐB Tô Thị Bích Châu, trong lĩnh vực giáo dục chưa đánh giá tỷ lệ học sinh học thêm có giảm hay không, trong khi thực tế là áp lực học tập – nhất là cấp tiểu học – vẫn còn . “Nguời dân TP than phiền áp lực học tập, vậy “tư lệnh” ngành giáo dục TP đánh giá như thế nào về vấn đề này?”, ĐB Tô Thị Bích Châu đặt câu hỏi. Song song đó, liên quan việc huớng nghiệp, hướng nghề, phân luồng học sinh, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, TP chưa đánh giá về chất lượng các Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Dù rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo lực lượng công nhân cho TP.
ĐB Trần Ngọc Hưng cũng cho rằng chỉ tiêu về số lượng người sử dụng phuơng tiện vận tải hành khách công cộng và luồng tuyến xe buýt cần cơ cấu hợp lý hơn, cần khai thác các luồng tuyến mới để người dân có điều kiện sử dụng xe buýt nhiều hơn, qua đó góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.
Về tỷ lệ xử lý nước thải y tế chưa đạt, ĐB Trần Ngọc Hưng kiến nghị cần có sự phối hợp quyết liệt hơn giữa các ban ngành ở trung ương. Ông cũng đặt vấn đề: người dân TP rất bức xúc với chương trình chống ngập vì những năm qua càng chống càng ngập. Thế nhưng trong báo cáo lại không thấy nêu cách giải quyết 10 điểm tái ngập, đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn, tránh chống chỗ này lại gây ngập chỗ khác.
Tương tự, ĐB Trịnh Xuân Thiều phát biểu trong báo cáo cần làm rõ thêm 3 nội dung: Đối tượng được mua nhà ở xã hội đến nay đã được mục đích đề ra hay chưa; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” – đánh giá các loại sản phẩm Việt Nam nào được bán tại các chợ truyền thống và tại siêu thị, cửa hàng; Số liệu về nước hợp vệ sinh chưa thuyết phục giữa khu vực nội thành và ngoại thành cũng như giữa các quận huyện – số liệu cần thực tế để có giải pháp thực hiện tốt.
Nêu ý kiến của mình, ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ cũng đề nghị trong phần phương hướng, nhiệm vụ kinh tế – văn hóa – xã hội năm 2015 cần bổ sung mảng giáo dục (cụ thể là xây trường, chăm lo đời sống giáo viên), văn hóa và phát triển con nguời, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phát triển hạ tầng đô thị (tập trung vào ngập nước, kẹt xe).
ĐB Lê Thị Ngọc Thanh đề xuất trong phương hướng cần bổ sung xử lý doanh nghiệp vi phạm môi trường, đặc biệt những doanh nghiệp (DN) xen cài trong khu dân cư vì đây là vấn đề người dân bức xúc. Về vấn đề nước sạch, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh cho rằng chỉ tiêu đề ra trong năm 2015 là 98% hộ dân đô thị được cấp nước sạch là không thể hiện được quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, đặc biệt là nước sạch.
Bàn giải pháp cho phát triển kinh tế vững chắc
Đánh giá cao các chỉ tiêu kinh tế – xã hội TP đạt và vượt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng ĐB Thái Tuấn Chí cũng mổ xẻ những nguyên nhân khiến kinh tế TP phát triển thiếu vững chắc. Theo ĐB Thái Tuấn Chí, thực tế khoa học công nghệ TP chưa phát triển đúng tầm, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng khoa học công nghệ quốc tế. Đề tài nghiên cứu khoa học thì nhiều nhưng chưa được ứng dụng vào DN, trong khi nhu cầu DN rất cần đề tài này để ứng dụng nhưng phi thực tế hoặc không có kinh phí để tiếp cận. Hiện nay TP đã có tầm nhìn quy hoạch khoa học công nghệ năm 2025 nhưng rất tiếc là ít DN được biết, đặc biệt là những DN đang muốn vào TP đầu tư.
Từ vấn đề trên, để kinh tế TP phát triển bền vững, ĐB Thái Tuấn Chí kiến nghị hai nhóm giải pháp cơ bản để khoa học công nghệ phát triển và để tạo động lực cho DN đầu tư vào 4 ngành mũi nhọn do TP đề ra. Cụ thể: Lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu DN trong nhóm ngành liên quan về khoa học công nghệ, sau đó giao lại các nhà khoa học nghiên cứu các đề tài ứng dụng để hỗ trợ DN; Thành lập Ban dự án chuyên sâu nhằm nghiên cứu xu hướng khoa học công nghệ, đặc biệt là xu hướng của 4 ngành mũi nhọn; Có kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực chuyên sâu và trình độ nghiên cứu khoa học cho các nhà khoa học; tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ dài hơi cho DN vừa và nhỏ như hiện nay; Có chính sách hỗ trợ bổ sung với DN lớn, tạo điều kiện cho những DN này đầu tư căn cơ vào sản xuất, vào khoa học công nghệ, góp phần ổn định nguồn thu ngân sách lớn của TP trong tương lai và giúp TP có được những sản phẩm chiến lược…
Đồng ý với ý kiến trên, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng để TP có sự đột phá trong phát triển kinh tế, đưa nền kinh tế TP tăng trưởng trong nhiệm kỳ tới, nhất thiết phải đầu tư cho khoa học công nghệ.
Cải cách hành chính – chuyện chưa có hồi kết
Bàn về lĩnh vực cải cách hành chính, ĐB Trần Ngọc Hưng nêu những bức xúc của cử tri về lĩnh vực thuế và bộ phận giải quyết hồ sơ hành chính. Người dân than phiền ở giai đoạn nhận hồ sơ, họ bị yêu cầu bổ túc hồ sơ rất nhiều lần. Một số nơi còn lạm dụng, yêu cầu người dân nộp giấy tờ có sao y bản chính, gây phiền hà cho người dân. Từ đó, ĐB Trần Ngọc Hưng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa và niêm yết công khai các loại giấy tờ để người dân không mất thời gian đi lại nhiều lần.
Ngoài ra, khi bàn về chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP, ĐB Tô Thị Bích Châu chỉ ra TP chưa đánh giá về hạn chế yếu kém của môi trường đầu tư, và những cải tiến trong thủ tục thuế. “Tôi chưa nghe DN nào khen cơ quan thuế. DN rất sợ khi nhận thư mời của cơ quan thuế. Dù đã có cải tiến quy trình đối với thuế nhưng sự than phiền của DN vẫn chưa giảm. Giải quyết vấn đề này là một trong những giải pháp cho sự tăng trưởng kinh tế của TP”, ĐB Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, lãnh đạo một số sở ngành đã trả lời những vấn đề ĐB đặt ra. Phát biểu điều hành phần thảo luận, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng quan tâm thêm những ý kiến của ĐB về đầu tư cho khoa học công nghệ, tham mưu tốt hơn cho lãnh đạo TP trong thời gian tới; bởi vấn đề không phải là thiếu vốn đầu tư mà là đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả.
Đối với việc giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây là vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm vì cuộc sống bị ảnh hưởng trực tiếp, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Đào Anh Kiệt đẩy nhanh hơn việc thực hiện những giải pháp đã cam kết…
Bà cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn phải chỉ đạo cải tiến thủ tục nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân khi đi nộp thuế.
Chiều 10/12, kỳ họp sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 18 chức danh cho HĐND TPHCM bầu.
Cuối phiên làm việc buổi sáng 10/12, các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết đồng ý miễn nhiệm chức danh Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Thanh Chín do ông nghỉ hưu theo chế độ.
Sau đó, các ĐB tiến hành bầu bổ sung chức danh Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM khóa VIII nhiệm kỳ 2011-2016. Có 85 đại biểu có mặt tham gia bỏ phiếu. Ông Huỳnh Công Hùng (54 tuổi, trình độ Thạc sĩ Kinh tế, Cử nhân Chính trị; hiện là Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM khóa VIII) được bầu giữ chức danh này với kết quả 84/85 ĐB có mặt đồng ý. Với 73/84 ĐB có mặt đồng ý (có 1 phiếu bầu không hợp lệ), bà Tô Thị Bích Châu (45 tuổi, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận 4, trình độ chuyên môn: Dược sĩ, trình độ chính trị: cao cấp, thành viên Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM khóa VIII) trúng cử chức danh Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội thay cho ông Huỳnh Công Hùng. |