ThienNhien.Net – Vùng hạ du Phú Yên – Bình Định nằm “dưới tầm” trực tiếp trong quá trình xả lũ của hệ thống hồ chứa thủy điện, thủy lợi dày đặc trên sông Ba, sông Côn. Hai tỉnh duyên hải này đang tích cực triển khai các quy chế liên hồ chứa, tìm phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho dân trong mùa mưa lũ…
Phương án cảnh báo lũ sông Ba
Tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Theo đó, trong mùa lũ, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình Thủy điện Sông Ba Hạ, Krông H’Năng và An Khê – Ka Nak, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại. Việc vận hành các hồ phải góp phần giảm lũ cho hạ du và đảm bảo hiệu quả phát điện.
Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng – Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, các nhà máy thủy điện trên sông Ba hiện đã xây dựng trạm cảnh báo tự động, xây dựng bản đồ ngập lụt và hệ thống cột báo ngập lũ hạ du sông Ba để dự báo mức lũ, để người dân tham gia nắm bắt thông tin và chính quyền chủ động điều hành phòng tránh lũ lụt. Quy trình vận hành liên hồ mới thay thế quy trình cũ có nhiều điểm tích cực, khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương. Quy trình mới không quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ như trước đây, mà có thể thông báo xả lũ ngay, nhưng mức xả tại thời điểm thông báo với lưu lượng nhỏ, để người dân biết có lũ và thời gian nước lũ dâng của vùng hạ du sẽ được kéo dài hơn lũ tự nhiên.
Hiện tại, trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định việc vận hành các hồ trong mùa lũ; việc điều tiết nước các hồ mùa lũ căn cứ trên dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Vì vậy, sẽ không còn tình trạng lũ chồng lũ như các năm trước, khi chủ hồ nắm “toàn quyền”. Bên cạnh đó, thông tin phòng chống lụt bão được tổ chức từ tỉnh xuống huyện, xã, đến tận người dân, do đó công tác vận hành liên hồ chứa có tính ràng buộc và người dân trực tiếp giám sát.
Trực chiến an toàn hồ thủy lợi
Tại Bình Định, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh này đang quản lý 15 hồ chứa nước lớn trên địa bàn, với tổng dung tích chứa 457 triệu m3; 22 đập dâng lớn trên hệ thống sông Côn, La Tinh, Lại Giang và Hà Thanh. Trước mùa mưa lũ năm nay, công ty đã kiểm tra toàn bộ các hồ chứa nước, đập dâng và hệ thống kênh mương, lập phương án phòng chống lụt bão (PCLB) theo phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi công trình đều thành lập đội thanh niên xung kích từ 20 – 40 người; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị nhằm đối phó với các tình huống xấu.
Riêng quy trình vận hành, điều tiết nước tại 3 hồ thủy điện (Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Trà Xom 1) và 3 hồ thủy lợi lớn (Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh) trong mùa mưa lũ năm nay được thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn – Hà Thanh. Khi vận hành giảm lũ cho hạ lưu, công ty tuân thủ theo quy định trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả được cấp có thẩm quyền ban hành, đảm bảo không gây ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du hồ chứa. Khi xảy ra mưa lũ, sẽ quan trắc 15 phút/lần, đồng thời dự báo lưu lượng nước đến hồ trong 6 giờ tới và lưu lượng nước đỉnh lũ để chủ động tham mưu cấp trên cho quyết định điều tiết nước hồ.
Bà Trần Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lực vực sông Kôn-Hà Thanh đã được triển khai ngay trước mùa mưa lũ năm nay. Tỉnh cũng đã thành lập tổ tư vấn giúp chủ tịch UBND tỉnh kiêm trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xử lý các tình huống phức tạp trong vận hành liên hồ; tổ chức xây dựng bản đồ ngập lụt, thiết lập hệ thống trạm đo mưa nhân dân, hệ thống cảnh báo lũ dựa vào cộng đồng để phục vụ chỉ đạo ứng phó lũ lụt tại địa phương.
Hiện tại, trưởng ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh quyết định việc vận hành các hồ trong mùa lũ; việc điều tiết nước các hồ mùa lũ căn cứ trên dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Vì vậy, sẽ không còn tình trạng lũ chồng lũ như các năm trước, khi chủ hồ nắm “toàn quyền”. |