ThienNhien.Net – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ vừa có buổi làm việc với chủ đầu tư Dự án thủy điện Sơn Trà 1 và các sở, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo điều chỉnh dự án. Nhiều vấn đề đặt ra tại cuộc họp này…
Nỗi lo mất rừng
Theo báo cáo của chủ đầu tư, sau khi điều chỉnh, tổng diện tích đất sử dụng của Dự án thủy điện Sơn Trà 1 đã giảm từ 95,4ha xuống còn 75,5ha. Trong đó, đất rừng phòng hộ giảm từ 44,5ha xuống còn trên 18ha. Diện tích chiếm đất của dự án giảm nhưng công suất lắp máy lại tăng từ 42MW lên 60MW. Dự án thực hiện tại xã Sơn Lập (Sơn Tây) và Sơn Kỳ (Sơn Hà).
Theo đó, chủ đầu tư đã dịch chuyển đập chính lên phía thượng nguồn khoảng 7km. Nhờ độ dốc cao hơn nên độ cao của thân đập giảm. Đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, việc điều chỉnh dự án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, ảnh hưởng đến môi trường, tăng an sinh xã hội cho địa phương và không phải di dân, tái định cư. Nếu được UBND tỉnh chấp thuận, đến giữa tháng 7.2015, dự án sẽ khởi công và hoàn thành vào cuối năm 2018.
Ông Nguyễn Thái – Phó Bí thư Huyện ủy Sơn Hà cho rằng, việc đầu tư xây dựng thủy điện sẽ là một trong những hướng thúc đẩy kinh tế xã hội các huyện miền núi. “Tuy nhiên, điều tôi lo ngại nhất là khi làm thủy điện sẽ có đường công vụ, lâm tặc lợi dụng đường sá thuận lợi lén lút phá rừng” – ông Thái bày tỏ sự lo lắng.
Còn ông Nguyễn Phong- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà yêu cầu chủ đầu tư khi xây dựng thủy điện phải bảo vệ rừng và đầu tư hoàn thiện tuyến đường Sơn Kỳ – Mô Níc để người dân vùng thủy điện đi lại thuận tiện. Ngoài ra, các bãi đất chủ đầu tư thuê làm bãi chứa chất thải trong quá trình thi công, sau khi hoàn thành công trình cần phải trả lại nguyên trạng cho người dân để họ tiếp tục phát triển sản xuất.
Trước lo lắng của lãnh đạo huyện Sơn Hà, đại diện chủ đầu tư cho biết, đối với thủy điện Sơn Trà 1, toàn bộ sẽ được thi công ngầm nên rất ít tác động đến rừng. Còn mỏ vật liệu sẽ tận dụng toàn bộ số vật liệu trong quá trình khoan đường hầm dẫn nước để phục vụ việc xây dựng. “Tôi khẳng định là trong quá trình thi công sẽ hạn chế tối đa việc mở đường công vụ và khu vực quanh lòng hồ sau này sẽ không trở thành nơi cho lâm tặc phá rừng được” – đại diện chủ đầu tư hứa
Phải giữ rừng và đảm bảo an sinh xã hội
Dự án thủy điện Sơn Trà 1, do Công ty CP 30-4 Quảng Ngãi, làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, gồm 2 tổ máy phát điện là Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B, tổng công suất 60 MW/năm, đặt tại xã Sơn Kỳ. Sau khi hoàn thành, mỗi năm dự án sẽ đóng góp vào giá trị sản xuất của địa phương khoảng 220 tỷ đồng, nộp ngân sách và phí môi trường khoảng 62 tỷ đồng.
Về vấn đề thực hiện Dự án thủy điện Sơn Trà 1, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cơ bản thống nhất phương án điều chỉnh của chủ đầu tư. Trong đó, hoan nghênh việc chủ đầu tư đã giảm diện tích rừng nằm trong quy hoạch của dự án, giảm diện tích đất của dân bị ảnh hưởng và việc tận dụng tối đa lợi thế địa hình, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường của dự án…
“Chủ đầu tư và các địa phương cần có biện pháp bảo vệ rừng phòng hộ trong khu vực, hạn chế khô kiệt vùng hạ du, đảm bảo đời sống người dân vùng hạ lưu. Chủ đầu tư cần thương thảo với dân về phương án bồi thường diện tích đất bị thu hồi. Có thể bồi thường bằng tiền hoặc bằng đất cho người dân. Nhưng theo khảo sát của địa phương thì người dân cần đất sản xuất hơn là tiền bồi thường. Do đó, cần phải có đất rừng sản xuất để cấp lại cho người dân sau này” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ chỉ đạo.
Ngoài ra, đối với diện tích rừng bị mất do ngập dưới lòng hồ, có hai phương án đặt ra, đó là chủ đầu tư phải trồng lại rừng bằng số diện tích đã mất, hoặc chi trả tiền để ngành nông nghiệp trồng lại. Do đó, cần phải lập phương án trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo, sử dụng lao động tại địa phương trong quá trình triển khai dự án và làm tốt công tác an sinh xã hội như đã hứa.
Đối với việc điều tiết lũ và quy trình vận hành hồ chứa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Đồng thời, để trong quá trình triển khai dự án không gặp những khó khăn, trở ngại hay sai sót, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương hỗ trợ chủ đầu tư. Trong đó, giao Sở NN&PTNT lập kế hoạch trồng rừng thay thế. Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp giấy phép đầu tư cho dự án.