ThienNhien.Net – Không chỉ quá lạm dụng thuốc trừ sâu trên các loại rau củ quả mà hiện nay, nông dân ở nhiều nơi còn đang lạm dụng cả trên nhiều loại hoa tươi và vô tình đầu độc người yêu hoa, chơi hoa kiểng.
Phun thuốc sâu mù mịt như đốt rạ
Trong một hội thảo về việc loại bỏ những loại thuốc trừ sâu độc hại vừa được tổ chức, bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, cảnh báo: “Hiện nay tình trạng hoa tươi bị lạm dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại đang trở thành một vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng”. Lời cảnh báo này được đưa ra sau một cuộc điều tra về tình hình sử dụng thuốc trừ sâu tại nhiều địa bàn khác nhau thuộc cả ba khu vực Bắc – Trung – Nam.
Chúng tôi đã tìm đến những làng chuyên trồng hoa tươi ở ngoại thành Hà Nội như Phú Diễn, Tây Tựu và các làng hoa ở Đông Anh, Thanh Trì thuộc Hà Nội. Sự thật đúng như cảnh báo. Tại làng hoa Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, người dân ở đây đang khóc ròng, mất ăn mất ngủ vì vấn nạn thuốc trừ sâu từ cánh đồng hoa tươi đe dọa. Cứ vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, có thời điểm hàng chục vòi phun thuốc trừ sâu cùng xịt mù mịt khắp cánh đồng hoa cúc, hồng.
Ông Thiệu, ngoài 70 tuổi, một người dân ở khu tập thể ga Phú Diễn, bức xúc: “Do sức khỏe kém nên lúc nào họ phun thuốc thì tôi lại hoa cả mắt, váng đầu, buồn nôn không chịu nổi”. Chị Hằng, làng Phú Diễn, cho biết thêm: “Ngày nào các chủ ruộng hoa cũng thi nhau phun, khói thuốc sâu bay lên như đốt rạ. Thuốc theo gió lùa hết vào khu dân cư, nên nhiều cháu nhỏ và người già phải đeo khẩu trang để tránh hít phải mùi khí độc”. Nhiều người dân khác ở khu vực ven cánh đồng hoa cũng khẳng định, họ thường xuyên nổi mẩn, dị ứng, đau đầu và thậm chí khó thở mỗi lần người trồng hoa phun thuốc. Đóng cửa cũng không thoát, nên thường phải bật máy lạnh để hút bỏ mùi, ngay cả khi trời lạnh.
Để đi tìm câu trả lời vì sao việc trồng hoa lại phải phun thuốc trừ sâu, chúng tôi đến gặp một số nông dân ở huyện Mê Linh và Đại Mỗ, ngoại ô quận Hà Đông (Hà Nội). Anh Nguyễn Văn Bốn, ở Mê Linh, cho biết: “Loại hoa nào cũng bị sâu đua nhau phá hoại khi trồng. Muốn có hoa đẹp thì buộc phải phun thuốc để diệt”. Sau đó, chỉ vào ruộng hoa cúc vàng rực trên cánh đồng, anh Bốn phân trần: “Chỉ riêng hoa cúc đã có 6 – 7 loại sâu tấn công như cắn lá, làm xoắn búp, sâu đục thân, muội… và cứ 3 – 4 ngày lại phải phun thuốc một đợt, nếu không thì sâu ăn cụt cả ruộng”.
Tại làng Tây Tựu, nơi được coi là vựa hoa lớn nhất Hà Nội hiện nay, có hàng chục đại lý kinh doanh thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật để phục vụ người trồng hoa. Anh Lê Ngọc Thắng, chủ một vựa hoa ở xóm 4, cho biết, mỗi tháng các chủ vựa đều phải bỏ ra cả triệu đồng tiền thuốc trừ sâu, thuốc kích thích để phun cho cúc, hoa hồng, lay ơn, đồng tiền, cẩm chướng… “Vì hoa không phải là đồ dùng để ăn nên chúng tôi đều phun thoải mái, cũng chả nghĩ ngợi gì”, ông Thắng vô tư nói.
Thuốc độc vô tình
* Theo kết quả điều tra của Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, 2 loại hoạt chất có trong các thuốc trừ sâu mà nông dân đang lạm dụng hiện nay là Paraquat và Chlorpyrifos. Qua khảo sát, khoảng 31% nông dân cho biết đã sử dụng hóa chất cao hơn khuyến cáo, 86% nông dân khẳng định hóa chất bảo vệ thực vật là chất độc gây ảnh hưởng tới sức khỏe và làm ô nhiễm môi trường. Trong đó khoảng 8,5% nông dân cho biết chính họ đã bị ngộ độc khi sử dụng, các triệu chứng là nóng, ngứa và nhức đầu, nhẹ thì mệt mỏi… |
Trở lại câu chuyện ở làng Phú Diễn, vì quá lo lắng mà không biết làm cách nào, hiện nay các hộ dân đang gửi đơn lên phường nhờ can thiệp. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trên hoa đang nở rộ khắp cả nước và là nguy cơ đầu độc, đe dọa tới sức khỏe của người chơi hoa, cắm hoa kiểng trong nhà.Hiện nay, nghề trồng hoa đang là cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân trong khắp cả nước. Hầu như ở địa phương nào cũng có các làng hoa, trong đó có những vựa hoa nổi tiếng như Sa Đéc (Đồng Tháp), Gò Vấp (TPHCM), Tây Tựu và Mê Linh (Hà Nội), Đà Lạt… thu nhập từ hoa cao gấp 15 – 20 lần lúa và cây khác, thực sự giúp nông dân đổi đời, thể hiện óc tư duy sáng tạo, thích ứng nhanh với nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Nhưng việc sản xuất không có quy hoạch, mặc cho tự phát và quá lạm dụng hóa chất là thứ lợi bất cập hại.
Điều đáng lo hơn khi khảo sát tình trạng tại các vựa hoa không chỉ có thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích sản xuất trong nước mà còn cả nguồn nhập khẩu lậu từ Trung Quốc vì trên bao bì, nhãn mác các gói, lọ vứt lại chỉ có chữ Trung Quốc, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt, thời hạn sử dụng…
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng, việc sử dụng thuốc trừ sâu trên hoa kiểng là không thể tránh khỏi song người dân cần sử dụng các loại thuốc theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và đúng liều lượng phù hợp. Điều này không chỉ vì sự an toàn cho người sử dụng mà trước hết cũng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người trực tiếp trồng hoa, phun thuốc trừ sâu.