ThienNhien.Net – Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, TPHCM phải đối mặt với những vấn nạn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải… Điều đáng nói, để có thể giải quyết vấn đề này không chỉ là việc của một cá nhân, một đơn vị riêng lẻ nào mà cần đến sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng.
Nhiều mô hình bảo vệ môi trường cụ thể
Ông Hà Văn Dũng, Phó chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đối với cộng đồng dân cư, Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015 của TPHCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, 100% người dân trên địa bàn thành phố được tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban MTTQ thành lập được 323 mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường. Các tổ tự quản này đã thực hiện được 3.876 cuộc tuyên truyền về những nội dung trọng tâm của cuộc vận động người dân tham gia cải thiện và gìn giữ môi trường sống xanh, sạch với hơn 75.000 người tham dự. Đồng thời, phối hợp vận động nhân dân đăng ký thu gom rác thải và tham gia tổng vệ sinh định kỳ vào mỗi cuối tuần; tham gia xây dựng các tuyến đường văn minh kiểu mẫu; giám sát các hành vi gây mất vệ sinh môi trường, trật tự đô thị cũng như đề xuất chính quyền xử phạt những trường hợp gây ô nhiễm môi trường trên…
Bên cạnh đó, tại 24/24 quận huyện thành lập được 932 mô hình Khu phố không rác mà ở đó, người dân duy trì việc quét rác thường xuyên trước cửa nhà cũng như các tuyến hẻm trong khu dân cư. Ngoài ra, nhiều mô hình bảo vệ môi trường sáng tạo khác được duy trì thành công từ nhiều năm qua như: mô hình Vì dòng kênh xanh của chùa Long Hoa (quận 8), mô hình Không gian xanh khu phố tôi (quận Bình Thạnh), mô hình 15 phút vệ sinh đường phố (quận 1, 3, 6); tổ chức các Ngày Chủ nhật xanh, Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất, Ngày hội Tái chế, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
Các chương trình trên đã kêu gọi vận động hàng triệu người dân thành phố tham gia cùng chính quyền giải quyết nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường, làm chuyển biến nhiều địa bàn phức tạp về môi trường, góp phần xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, sở đã phối hợp tổ chức 380 mô hình câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường với gần 9.000 thành viên tham gia; vận động tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông đã triển khai tại 2 hợp tác xã thương mại – dịch vụ, 9 tuyến đường, tuyến hẻm ở cấp quận, huyện và 155 chợ, 281 tuyến đường, tuyến hẻm cấp phường xã; chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn với hàng trăm ngàn phụ nữ nông thôn hưởng ứng tham gia; mô hình Vườn rau dinh dưỡng gia đình; mô hình Tuyên truyền, vận động cộng đồng ứng dụng mô hình chế phẩm vi sinh và phân bón hữu cơ vi sinh từ rác thực phẩm…
Còn nhiều khó khăn
Phát huy vai trò tham gia của người dân là điều hết sức cần thiết nếu muốn cải thiện chất lượng môi trường sống. Thế nhưng, những phong trào trên chỉ thực sự có hiệu quả với những người dân đang định cư ổn định tại địa phương. Hiện vẫn còn một bộ phận người dân vãng lai, bán hàng rong rất ít tham gia, gắn bó, sinh hoạt với tổ dân phố nên khó tiếp trong việc tuyên truyền, vận động. Không chỉ vậy, ông Hà Văn Dũng nhấn mạnh, việc chấn chỉnh, xử lý, xử phạt của chính quyền địa phương chưa duy trì thường xuyên và triệt để. Mức độ xử phạt chưa cao, chưa mang tính răn đe. Số lượt xử phạt còn ít nên việc chấp hành của người dân chưa nghiêm. Để khắc phục và hạn chế những tình trạng này rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, phải tuyên truyền và nâng cao được ý thức của người dân thì công tác bảo vệ môi trường mới thực sự có hiệu quả.
Đại diện Ủy ban MTTQ TPHCM cũng chia sẻ, thành phố đang có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị nhanh, có mật độ dân số đông, là địa bàn diễn ra nhiều sự kiện chính trị lớn, nhiều hoạt động kinh tế quan trọng; nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất lớn. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường luôn phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đó là thách thức lớn, là nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, cơ quan và người dân. Thời gian qua, MTTQ TP là đại diện cho các tổ chức quần chúng tích cực phối hợp, thống nhất hành động với các cơ quan chức năng; phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết nhân dân với nhiều hoạt động thiết thực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường là một hoạt động cụ thể, thiết thực, được toàn bộ hệ thống Mặt trận phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Trong thời gian tới, MTTQ TP tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng Thi đua – Khen thưởng thành phố trong việc chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua, vận động quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến và khen thưởng cá nhân, tập thể là điển hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng Thành phố xanh, sạch, đẹp và văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để có thể tạo tính bền vững cho những công trình của cộng đồng, vẫn cần có sự tham gia tích cực từ lực lượng thanh kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm môi trường. Mức phạt cũng phải được điều chỉnh đủ để răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm. Có như vậy mới giải quyết gốc của căn nguyên gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.