ThienNhien.Net – Sau khi báo NTNN/Dân Việt đăng loạt bài “Phúc Thọ: Mất cát, mất luôn niềm tin”, phản ánh tình trạng cát tặc lộng hành trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ (Hà Nội) mà chính quyền không có biện pháp ngăn chặn, trao đổi với NTNN, một số luật sư đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về vụ việc này.
Thấy khó, sao không báo cáo lên cấp trên?
LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Việc khai thác cát trái phép xảy ra ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội diễn ra công khai, lại trong thời gian dài, địa điểm cụ thể, bên cạnh đó là hoạt động vận chuyển ầm ĩ. Hoạt động ở đây ngang nhiên, công khai giống như một công trường chứ không phải có tính chất lén lút, khó phát hiện, nhưng thật khó hiểu là tại sao chính quyền địa phương lại không xử lý được mà phải để Bộ Công an đưa lực lượng về triệt phá?
Luật sư Dũng đánh giá, lãnh đạo chính quyền và Công an huyện Phúc Thọ cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm (trong cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 18.11) là không thuyết phục.
“Ông Nguyễn Xuân Trường – Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho rằng kẻ cầm đầu nhóm bảo kê không trực tiếp lộ diện mà chỉ đạo tay chân thu tiền. Công an huyện Phúc Thọ đã lập hồ sơ để quản lý theo dõi từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa triệt phá được. Nói như vậy là sự việc được cơ quan Công an huyện nắm rõ nhưng tại sao không làm được? Nếu sự việc quá lớn, quá khó nằm ngoài khả năng của huyện thì phải có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ của cấp trên từ lực lượng đến phương tiện và cả kế hoạch để triệt phá”- luật sư Dũng băn khoăn.
“Còn ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho rằng không có chuyện chống lưng, bảo kê, đã kiểm tra quyết liệt, phát hiện và xử phạt hành chính với cát tặc cũng chưa thuyết phục. Vấn đề là anh phải xử lý triệt để. Nếu đã xử lý hành chính mà còn vi phạm tại sao không dùng chế tài mạnh hơn là xử lý hình sự. Lãnh đạo huyện Phúc Thọ nói khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với nạn cát tặc là do địa giới hành chính giáp với huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) thì vấn đề đặt ra là phải có sự phối hợp chứ không thể nói đó là vướng mắc để lẩn tránh trách nhiệm” – ông Dũng khẳng định.
Chưa làm tròn trách nhiệm
Còn LS Đỗ Viết Hải (Đoàn luật sư Hà Nội), trong bài viết của mình thì thẳng thắn nhận định: Việc huyện Phúc Thọ để cát tặc hoành hành trên địa bàn trong một thời gian dài, phải để lực lượng của Bộ Công an về triệt phá thì rõ ràng chính quyền có vấn đề. Việc có hay không chuyện chống lưng hay bảo kê phải điều tra mới làm rõ nhưng có thể thấy ngay là chính quyền không làm tròn trách nhiệm.
“Để vụ việc xảy ra lãnh đạo huyện Phúc Thọ lý giải lực lượng, thiết bị, phương tiện không đầy đủ; địa bàn giáp ranh với huyện Yên Lạc nên khó triệt phá; đã kiểm tra, đã xử lý hành chính rồi những vẫn tái diễn. Kiểu lý giải này chỉ mang tính ngụy biện, cho thấy chính quyền đã không làm hết trách nhiệm của mình. Những cái khó mà lãnh đạo huyện Phúc Thọ nêu ở trên đều có cách giải quyết, tại sao lại không làm khi đó là trách nhiệm chính của anh. Lý giải kiểu này, dư luận khó có thể chấp nhận được”- luật sư Hải nhấn mạnh.