ThienNhien.Net – Quy hoạch môi trường là quy hoạch mang tính chiến lược để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững và mục đích lớn hơn là chất lượng sống, sự hạnh phúc của con người và an toàn sinh thái. Được các chuyên gia đánh giá là “thiên đường của các loại quy hoạch” song tại Việt Nam chỉ mới xuất hiện quy hoạch môi trường ở những khu vực nhất định hơn là một chiến lược mang tính tổng thể.
Để ứng phó và quản lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường, các tỉnh, thành tại Việt Nam đều lập báo cáo quy hoạch môi trường. Tuy nhiên, các báo cáo gần như có chung một hướng về nội dung quy hoạch được gói gọn trong từng tỉnh thay vì thực hiện quy hoạch liên tỉnh, liên vùng để bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn về trách nhiệm quản lý.
Một ví dụ rõ nét là lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh từng ký đơn đề nghị xem xét dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (không nằm trong phạm vi quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh) vì lo ngại các tác động từ môi trường từ thủy điện sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ lưu sông Đồng Nai. Tương tự, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng có những hội thảo, kiến nghị về việc bảo tồn đa dạng sinh học và hạn chế tác hại của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Kết quả cuối cùng là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo loại bỏ dự án này. Một minh chứng khác là vấn đề ô nhiễm lâu năm ở kênh Ba Bò (giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương) chưa thể giải quyết dứt điểm do có sự bất cập trong quản lý. Theo Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thì họ không thể sang Bình Dương phạt các doanh nghiệp xả thải trái phép vào kênh mà cần phối hợp liên ngành giữa hai địa phương. Đến khi đầy đủ giấy tờ phối hợp thì khó bắt được quả tang doanh nghiệp xả thải.
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, hiện nay có một số tỉnh, thành đã thuê các công ty chuyên nghiệp của nước ngoài để thực hiện việc xây dựng quy họach môi trường mang tính tổng thể. Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình Quy họach môi trường đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu do nhiều công ty, trường Đại học về môi trường của Đức thực hiện từ năm 2008 đến hết năm 2013. Tỉnh Quảng Ninh cũng mời các chuyên gia của Nhật để xây dựng quy hoạch môi trường đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà ở đó, công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long và rừng ngập mặn được đánh giá quan trọng nhất rồi mới đến các chỉ tiêu kinh tế. Dù vậy, không có một kế hoạch cấp tỉnh nào có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu không có sự phối hợp của các tỉnh khác lân cận trong vùng sinh thái (và cả vùng kinh tế) đã được xác định.
Nhận xét về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: “Quy hoạch môi trường đã có tại nhiều nước, đặc biệt là các nước tiên tiến và họ quy hoạch theo hướng tổng thể quốc gia theo vùng sinh thái. Trong quá khứ, có những quốc gia lập quy hoạch cụ thể theo từng ngành mà không chú ý đến quy họach tổng thể để phù hợp quy luật thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến mục đích cuối cùng là chất lượng sống, hạnh phúc của con người bên cạnh các mục đích kinh tế. Phải có quy hoạch môi trường tổng thể để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch ngành.”
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cũng đưa ra thêm những trường hợp cụ thể về mặt chồng chéo trong quản lý nhà nước về việc “mạnh ai nấy quy hoạch” như hiện nay. Ví dụ bờ sông Sài Gòn khu vực huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong quy hoạch phát triển vùng sinh thái thì bờ bên kia lại có nhiều công trình xây dựng mọc lên. Điều này khiến cảnh quan hai bờ sông “chỏi” nhau và có những tác động nhất định đến dòng sông.
Theo báo cáo mới nhất về quy hoạch môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc đánh giá môi trường chiến lược cho các loại hình quy hoạch hiện nay gặp nhiều khó khăn do cơ quan thực hiện phát triển quy hoạch không xác định được hiện trạng, diễn biến của các thành phần môi trường và định hướng quản lý và bảo vệ môi trường. Do vậy, các nội dung quản lý và bảo vệ môi trường phải được xác lập tổng hợp để thực hiện một cách thống nhất từ trung ương đến địa phương và giữa các ngành, các lĩnh vực phát triển. Từ đó mới có cơ sở phân tích, đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển hài hòa lợi ích giữa các địa phương, các ngành, các lĩnh vực./