ThienNhien.Net – Viện Phát triển Hải ngoại (ODI), một nhóm cố vấn về môi trường của Anh ngày 7/12 công bố một báo cáo cho biết 50% trong số gần 8 tỷ USD trong quỹ chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) đã được chi cho 10 nước đang phát triển kể từ năm 2003, song 10 nước dễ bị tổn thương nhất, trong đó có Somalia, Quần đảo Solomon, Burundi, Niger và Eritrea chỉ nhận được 7% trong quỹ này.
ODI dẫn kết quả phân tích chi tiêu quốc gia trong vòng môt thập kỷ gần đây của 135 nước cho biết ba nước được nhận ngân sách nhiều nhất là Morocco, Mexico và Brazil với hơn 500 triệu USD mỗi nước trong tổng ngân quỹ 7,6 tỷ USD, mặc dù ba nước này đều có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo.
Theo ODI, các nước nghèo nhất bị bỏ rơi trong việc tiếp cận nguồn ngân sách hỗ trợ để đối phó với tình trạng ấm lên của Trái Đất. Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột và bất ổn như Côte d’Ivoire và Nam Sudan chỉ nhận được lần lượt 350.000 USD và 700.000 USD. Một số nước có thu nhập trung bình và dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu như Namibia, El Salvador và Guatemala chỉ nhận được chưa đến 5 triệu USD mỗi nước.
Trong một tuyên bố, tác giả của báo cáo Smita Nakhooda (Smi-ta Na-khô-đa) nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu sẽ góp phần giảm thiểu những ảnh hưởng của tình trạng thời tiết cực đoan, cũng như giảm bớt gánh nặng bởi sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với những nước dễ bị tổn thương.
Ngân quỹ chống biến đổi khí hậu là điểm quan trọng nhất trong đàm phán về biến đổi khí hậu của LHQ. Các nước đang phát triển nhấn mạnh những nền kinh tế giàu phải thể hiện tôn trọng cam kết đóng góp cho quỹ chống biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020. Tuy nhiên, đến nay các nước này mới cam kết đóng góp gần 10 tỷ USD vào Quỹ khí hậu xanh tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trước đó, một báo cáo khác của LHQ công bố ngày 6/12 nhận định đến năm 2050 các nước đang phát triển cần 500 tỷ USD mỗi năm để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Theo Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP), con số này gấp 20 lần so với ngân sách hiện nay dành cho cuộc chiến này. Thậm chí, con số này còn cao hơn nếu các nước không đạt được thỏa thuận về mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo trên của ODI được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) tại thủ đô Lima của Peru. Đây là hội nghị cuối cùng trước thời hạn chót các nước phải ký kết được một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto (Ki-ô-tô) tại vòng thảo luận năm sau ở Paris (Pháp), nhằm tiến tới một hiệp định tổng quan và mang tính ràng buộc về pháp lý nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên. Hiệp định tương lai này sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, đồng thời ràng buộc Mỹ và các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc, vào nỗ lực chung cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.