ThienNhien.Net – Khai thác tài nguyên là một trong những lĩnh vực có mức độ phức tạp cao về mặt công nghệ và dòng vốn đầu tư. Ngoài ra, trong quá trình ký hợp đồng hoặc cấp phép khai thác tài nguyên từ lòng đất, mối quan hệ giữa người ra quyết định và chủ đầu tư thường bị lạm dụng, tạo ra những “cơ hội” cho quản trị kém tại các quốc gia khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Điều đáng nói là, việc quản trị công nghiệp khai thác kém sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như đẩy lùi tốc độ kinh tế, làm thất thoát nguồn thu Nhà nước, hủy hoại môi trường, nảy sinh tham nhũng và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Đây là một trong những nhận xét về “bức tranh” công nghiệp khai thác vừa được ông Fabby Tumiwa, Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR) nêu ra tại Hội thảo giới thiệu khung quản trị công nghiệp khai thác khu vực ASEAN tổ chức sáng 5/12, tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho biết công nghiệp khai thác đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia ASEAN trong thời gian qua.
Đặc biệt, khai thác dầu khí và khoáng sản còn được coi là lĩnh vực trọng điểm để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chung của cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ chính thức được hình thành vào năm 2015.
“Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là công nghiệp khai thác nên được quản lý như thế nào để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia khu vực ASEAN,” ông Dũng trăn trở.
Trước thực trạng nêu trên, tiến sĩ Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng để bảo vệ và minh bạch được các khoản thu từ hoạt động khai khoáng cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN cần hợp tác xây dựng khung quản trị công nghiệp khai thác.
Theo tiến sĩ San, tiến trình hợp tác ASEAN có thể tạo ra những cơ hội và cơ chế giúp các quốc gia thành viên giải quyết những thách thức để quản trị tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Thông qua các cơ chế hợp tác về lĩnh vực khoáng sản và năng lượng, ASEAN có thể khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt cho công nghiệp khai thác.
Ngoài ra, “với tiến trình hội nhập và hợp tác trong 3 lĩnh vực chính là kinh tế, an ninh-chính trị và văn hóa-xã hội, ASEAN có thể xây dựng những hướng dẫn chung để thúc đẩy quản trị tốt công nghiệp khai thác và đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực này,” tiến sĩ San nói.
Đồng tình quan điểm trên, ông Fabby Tumiwa, Viện Cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR) cho rằng việc xây dựng khung quản trị công nghiệp khai thác là giải pháp rất quan trọng cho sự phát triển bền vững cho Việt Nam cũng như các quốc gia khu vực ASEAN.
“Giải pháp này sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tôn trọng và bảo vệ quyền con người trong các hoạt động của ngành công nghiệp khai thác; công khai dữ liệu liên quan đến nguồn thu và sử dụng nguồn thu; thiết lập quỹ tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, Việt Nam và các nước trong khu vực cần áp dụng khung quản trị này,” ông Fabby Tumiwa nói.
Các mục tiêu cụ thể của khung quản trị gồm:1. Cung cấp các nguyên tắc và khung tổng thể nhằm hài hòa các chính sách quản lý công nghiệp khai thác của các thành viên ASEAN và đảm bảo việc áp dụng các nguyên tắc quản trị tốt.
2. Cung cấp công cụ hỗ trợ quản lý công nghiệp khai thác khu vực ASEAN nhằm đảm bảo sự tương đồng về mức độ cạnh tranh giữa các thành viên ASEAN. 3. Đảm bảo sự hài hòa và chuẩn hóa sẽ được cân nhắc trong từng giai đoạn khác nhau của quốc gia mỗi thành viên ASEAN. 4. Cung cấp hướng dẫn để xây dựng công cụ giám sát lĩnh vực khai thác tài nguyên ở mỗi quốc gia thành viên ASEAN. |