ThienNhien.Net – Mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phải đổ cả máu nhưng các cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng (xã Đác Som, huyện Đác Glong, tỉnh Đác Nông), vẫn ngày đêm âm thầm tuần tra, canh giữ những diện tích rừng đặc dụng quý giá được ví như “lá phổi xanh” của khu vực Tây Nguyên.
Thảm thực vật phong phú Nằm tiếp giáp giữa cao nguyên Đác Nông với cao nguyên Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), Khu BTTN Tà Đùng có diện tích hơn 21.300 ha, gồm nhiều dãy núi có độ cao trung bình từ 1.200 đến 1.500 m, với đỉnh Tà Đùng cao nhất 1.982m. Ở đây chủ yếu rừng phòng hộ đầu nguồn của hai con sông lớn là Krông Nô -Sê-rê-pốc ở phía bắc và sông Đồng Nai ở phía nam, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, điện năng… cho khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện trên hai con sông lớn này còn tạo ra hồ nước trên cao với diện tích khoảng 3.632 ha mặt nước…
Dẫn chúng tôi vào thăm vùng lõi khu bảo tồn, Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng Lê Quang Dần cho biết: Trong khu bảo tồn hiện có một lớp thảm rừng rộng lớn che phủ tới 85% diện tích vùng lõi, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 48%, rừng thứ sinh các loại chiếm 36%…; hệ sinh thái đa dạng và sinh cảnh phù hợp cư trú, sinh trưởng, phát triển của khu hệ động vật phong phú.
Đặc biệt, khu bảo tồn có năm loài được xếp ở cấp CR trong Sách đỏ Việt Nam như hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa và một số loài được ưu tiên bảo tồn cao, được thế giới đặc biệt quan tâm, như Chà vá chân đen, Vượn má hung, Cu li nhỏ… Bên cạnh đó, Tà Đùng là một trong ba khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam hiện có loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới với 145 loài thuộc 14 bộ và 38 họ khác nhau…
Khu BTTN Tà Đùng còn có vị trí quan trọng về kinh tế và bảo đảm an ninh môi trường. Rừng đặc dụng Tà Đùng nằm giáp ranh giữa tỉnh Đác Nông và Lâm Đồng, nơi có Nhà máy luyện Alumin Nhân Cơ và Tân Rai hoạt động nên được ví như là “lá phổi xanh” hấp thụ và lưu trữ cácbon, giảm phát thải khí hậu gây hiệu ứng nhà kính; bảo vệ và duy trì sự cân bằng môi trường sinh thái cho toàn vùng…
Khó khăn trong quản lý và bảo vệ Sau một ngày ròng rã cùng lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng lội suối, băng rừng, vượt núi tuần tra, canh gác mới thấy hết nỗi vất vả của những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) ở đây. Do khu bảo tồn rộng, tiếp giáp với bảy xã, bốn huyện của hai tỉnh Đác Nông và Lâm Đồng, địa hình bị chia cắt bởi núi cao, sông, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn, cách trở… nên khu bảo tồn đã thành lập bốn trạm kiểm lâm tại bốn khu vực giáp ranh giữa các huyện. Thế nhưng, địa bàn “đóng đô” để tuần tra, kiểm soát của mỗi trạm đều cách Ban quản lý (đặt tại xã Đác Som, Đác Glong) hơn 100 km đường rừng núi, trong đó trạm xa nhất là 180 km thuộc xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 2 Hoàng Văn Hùng chia sẻ: Địa bàn do trạm quản lý rộng và hết sức phức tạp, chủ yếu là đồi núi cao, sông, suối và vực sâu, trong khi đó công việc yêu cầu ngày đêm đi lại, ăn ở trong rừng nên mỗi chuyến tuần tra, canh gác phải mất 10 ngày, thậm chí nửa tháng mới về trạm. Mỗi chuyến đi, các cán bộ, nhân viên phải mang theo đầy đủ gạo, thức ăn, mùng, mền, võng, thuốc và các dụng cụ y tế… bất kể ngày hay đêm đều đi tuần tra, đến đâu mệt thì mắc võng nghỉ rồi tiếp tục đi. Khổ nhất trong mỗi chuyến tuần tra là bị muỗi, vắt, rết, côn trùng cắn, thậm chí bị lâm tặc tấn công nên hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, hầu hết cán bộ, nhân viên trong trạm đều gắn bó với nghề, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chính nhờ việc bám rừng 24/24 giờ của lực lượng kiểm lâm mà các vụ việc xâm hại khu bảo tồn đều được phát hiện kịp thời. Điển hình là vụ việc ngày 7-7 vừa qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, Trạm kiểm lâm số 3 phát hiện và bắt quả tang một nhóm lâm tặc đang dùng cưa máy khai thác gỗ trái phép tại lô 1, khoảnh 6, Tiểu khu 1808. Cầm đầu nhóm lâm tặc là Nguyễn Sỹ Đạt, sinh năm 1986, trú thôn Băng Pá, xã Đạ K’Nàng. Tại hiện trường, nhóm lâm tặc chặt hạ ba cây xá xị thuộc nhóm IIA và một cây dổi thuộc nhóm III, tổng khối lượng gỗ khoảng 18 m3 . Hay mới đây, vào ngày 29-10, lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng phối hợp cơ quan chức năng bắt quả tang đối tượng Giàng A Dế, sinh năm 1985, trú thôn 4, xã Đác Som đang phá rừng tại Tiểu khu 1780 với diện tích gần 3.000 m2 …
Đồng tâm, hiệp lực để giữ rừng Cùng với sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên trong đơn vị, hằng năm Khu BTTN Tà Đùng phối hợp các ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước về công tác QLBVR, thành lập các câu lạc bộ xanh trong các trường THCS chung quanh khu bảo tồn và thực hiện ký cam kết về QLBVR với hàng trăm hộ dân tại các xã giáp ranh…
Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, Khu BTTN Tà Đùng còn giao khoán rừng đặc dụng cho đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ, cùng nhau giữ rừng. Trong năm 2014, khu bảo tồn đã giao khoán hơn 7.960 ha rừng đặc dụng cho 167 hộ đồng bào DTTS quản lý, bảo vệ với tổng kinh phí chi trả hơn 1,6 tỷ đồng.
Việc giao khoán rừng cho các hộ dân, cộng đồng thôn, bon quản lý, bảo vệ đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nên người dân hết sức phấn khởi, tích cực tham gia giữ rừng. Ông K’Hô, Tổ trưởng tổ nhận khoán rừng ở xã Đác P’Lao, huyện Đác Glong bộc bạch: Cả tổ có 11 hộ nhận khoán QLBVR đặc dụng từ năm 2010 đến nay, với diện tích 490 ha. Trước đây, bà con có thói quen phá rừng lấy đất sản xuất, khi đói thì vào rừng bẻ măng, săn bắn thú rừng. Nhưng từ ngày nhận khoán rừng đến nay, tham gia các lớp tập huấn về QLBVR được khu bảo tồn chi trả kinh phí bảo vệ đầy đủ, kịp thời nên các gia đình đều có thêm việc làm, tăng thu nhập, cuộc sống ổn định hơn trước.
Giám đốc Lê Quang Dần khẳng định, trong những năm qua, sự tác động từ bên ngoài đến Khu BTTN Tà Đùng là rất ít. Tuy nhiên, trước sức ép dân cư ngày càng tăng, nhu cầu đất sản xuất lớn, hiện tại có hơn 8.000 hộ dân sinh sống gần bìa rừng của khu bảo tồn. Trong khi đó, theo quy định, mỗi kiểm lâm viên chỉ quản lý 500 ha rừng đặc dụng, nhưng ở đây các kiểm lâm viên phải quản lý gấp đôi. Vì vậy, khu bảo tồn đang đứng trước nhiều mối đe dọa lớn như tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; săn bắn và buôn bán động vật hoang dã; khai thác gỗ và khoáng sản trái phép; xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông đi qua khu bảo tồn… phá vỡ cảnh quan và hủy hoại môi trường sinh sống của các loài động, thực vật, ảnh hưởng đa dạng sinh học của khu bảo tồn…
Vì vậy, để bảo vệ “lá phổi xanh” cho Tây Nguyên, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên Khu BTTN Tà Đùng, cần có sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành hai tỉnh Đác Nông, Lâm Đồng và đồng bào các dân tộc sinh sống chung quanh khu bảo tồn.
Kết quả điều tra trong năm 2011 và 2012 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Khoa Sinh học của Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Lâm nghiệp, ghi nhận ở Khu BTTN Tà Đùng có 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ của sáu ngành thực vật khác nhau. Trong đó, có 89 loài có nguy cơ tuyệt chủng, 69 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam vào năm 2007 và 28 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN, 14 loài được ghi trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Xét ở mức độ toàn cầu có sáu loài cực kỳ nguy cấp, năm loài nguy cấp và sáu loài sẽ nguy cấp. Ở mức độ quốc gia, có 28 loài nguy cấp và 41 loài sẽ nguy cấp.