Các công ty khai khoáng chưa sẵn sàng cho yêu cầu minh bạch

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các tập đoàn khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới hiện vẫn chỉ công khai nhỏ giọt thông tin về hoạt động toàn cầu của mình. Điều này chứng tỏ họ chưa sẵn sàng thực hiện các yêu cầu minh bạch.

Mỏ than Decker ở Montana, Mỹ. (Ảnh: GreenPeace)
Mỏ than Decker ở Montana, Mỹ. (Ảnh: GreenPeace)

Các nhà nghiên cứu đã dựa trên thông tin công khai để xếp hạng 124 công ty lớn nhất thế giới theo ba tiêu chí: (1) biện pháp phòng chống tham nhũng, (2) minh bạch trong hoạt động toàn cầu và (3) công khai thông tin tài chính theo từng quốc gia và theo từng dự án.

Theo kết quả nghiên cứu, trong khi ngày càng nhiều giải pháp được triển khai nhằm hạn chế tham nhũng thì mức độ minh bạch hoạt động và công khai thông tin tài chính lại hạn chế hơn nhiều. Chỉ số công khai thông tin về hoạt động của các công ty theo từng quốc gia chỉ đạt 6%, trong đó có 50 công ty đạt 0%.

Nhìn chung, các công ty của Anh được đánh giá tốt nhất, trong khi các công ty Trung Quốc và châu Á được đánh giá kém nhất, còn ngành công nghệ Mỹ bị chỉ trích nặng nề vì thiếu minh bạch.

Theo Tổ chức Liêm chính Toàn cầu, các nước đang phát triển có thể đã mất khoảng 6 tỷ USD trong thập kỷ vừa qua do hành vi trốn thuế và các giao dịch tài chính mờ ám khác. Việc các công ty công khai dữ liệu tài chính theo từng quốc gia mà họ hoạt động có thể giúp các chính phủ có cơ sở so sánh nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế cũng như thất thoát nguồn thu.

Ngành công nghiệp khai khoáng toàn cầu đã trở thành một mục tiêu đặc biệt trong các quy định minh bạch thông tin nhằm bảo vệ nguồn thu từ khai thác khoáng sản ở các nước đang phát triển.

Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Canada trong những năm gần đây đã thông qua các quy định công khai thông tin theo từng dự án với yêu cầu các công ty khai khoáng công bố các khoản nộp cho các chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cảnh báo rằng các công ty khai khoáng vẫn chưa sẵn sàng tuân thủ các quy định mới.

Mặc dù vậy, không hẳn là tất cả các công ty đều được đánh giá kém ở tiêu chí báo cáo tài chính theo từng quốc gia. Chẳng hạn, công ty dầu khí Na Uy Statoil đạt chỉ số cao nhất vớisố điểm 66%, bên cạnh các công ty khác như Tập đoàn Dầu và Khí đốt của Ấn Độ, công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới có trụ sở tại Úc BHP Billiton. Tuy nhiên, cũng có đến 19 công ty dầu khí được nêu trong nghiên cứu chỉ đạt mức điểm trung bình 10%, 6 công ty đạt 0%.

Nhìn chung ngành khai khoáng vẫn có vẻ đang cố gắng tận dụng thời gian cho đến khi Mỹ, EU và Canada bắt đầu thực thi quy định mới. “Ngành công nghiệp vốn chống đối những quy định như vậy nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty không tự nguyện công khai thông tin mà chờ cho đến khi họ buộc phải làm như vậy.” – Chuyên gia cố vấn Alexandra Gillies, Viện quản trị Tài nguyên (NRGI), nhận định.

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi. Theo tổ chức Publish What You Pay (Công khai các khoản chi), quy định công khai thông tin của Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sẽ chi phối khoảng 65% giá trị ngành khai khoáng toàn cầu. Tương tự, các quy định mới của Canada dự kiến đưa vào thực hiện trước tháng tư 2015 sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác mỏ lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Nhóm 20 các nước công nghiệp (G20) cũng dự định thông qua một tiêu chuẩn báo cáo tài chính theo từng quốc gia đối với tất cả các công ty đa quốc gia. Kết quả nghiên cứu này của Tổ chức Minh bạch Quốc tế được cho rằng sẽ gia tăng áp lực cho các cuộc thảo luận G20 mặc dù theo đánh giá thì các báo cáo của G20 có thể sẽ không được công bố do lo ngại về “những nhạy cảm thương mại”.

Hiện nay, trong khi yêu cầu báo cáo theo từng quốc gia còn treo lơ lửng, các nhà vận động chính sách đã hướng đến việc công khai hợp đồng của các công ty khai khoáng. Thực tế thì việc công bố các hợp đồng đang ngày càng được chấp nhận một cách rộng rãi hơn. Một số nước như Liberia, Guinea, Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước khác, cũng như một số công ty đã công khai thông tin về các hợp đồng khai khoáng.

Việc công khai các khoản đóng góp cho các chính phủ và cả hợp đồng ký kết của các công ty khai khoáng được kỳ vọng trở thành quy trình chuẩn trong vài năm tới.