ThienNhien.Net – Ngày 02-10, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức cuộc họp đánh giá những tổn hại đến hệ sinh thái môi trường tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Sóc Trăng từ việc xây dựng thủy điện dọc lưu vực sông Mê Kông.
Tại cuộc họp, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, sự đa dạng của hệ sinh thái sông Mê Kông chỉ đứng sau sông Amazon với 1.200 loài cá sinh sống. Sản lượng cá trung bình đạt 2,6 triệu tấn/năm, chiếm 7% – 22% sản lượng cá nước ngọt thế giới.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ việc xây dựng hàng loạt đập thủy điện trong thời gian qua trên sông Mê Kông đã và đang gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái của lưu vực sông này. Hiện đã có 9 đập thủy điện đi vào hoạt động trên dòng Mê Kông, 1 đập khác đang xây dựng, biến 55% chiều dài sông Mê Kông thành hồ chứa lớn.
Hệ quả của vấn đề này là hệ sinh thái, quy trình canh tác nông nghiệp của các nước dọc lưu vực sông sẽ bị đảo chiều; hàng trăm loài cá đang sinh sống và hàng triệu tấn phù sa bồi đắp khu vực hạ lưu mất đi; tình trạng biến đổi dòng chảy gây xói lở diễn ra rất nghiêm trọng; tình trạng xâm lấn mặn cộng với lún địa tầng khu vực hạ lưu sẽ diễn ra mạnh mẽ, đe dọa an ninh lương thực và sinh kế của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành như Cà Mau, Kiên Giang, An Giang có nguy cơ bị biến mất. Trên thực tế, hiện đang có tình trạng di cư tự do của hàng ngàn người dân sinh sống tại nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long do bị mất hoặc bị thu hẹp đất canh tác.