Kỳ cuối: Đằng sau những giấy phép khai thác cát
ThienNhien.Net – Khai thác cát, xây dựng khu công nghiệp là để phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nâng cao đời sống cho người dân, nhưng một số doanh nghiệp lại lợi dụng giấy phép khai thác để “cố tình” khai thác thu lợi nhuận mà không cần quan tâm đến quyền lợi của người dân. Thất thu thuế, ảnh hưởng môi trường, người dân bức xúc… là những hệ lụy từ việc quản lý hoạt động khai thác cát trắng kém hiệu quả đang diễn ra tại Quảng Nam.
Có một thực tế là những vùng nhiều cát trắng như Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn…, đời sống người dân rất khó khăn. Tại sao sống trên những mỏ “vàng trắng” ấy mà người dân không được hưởng lợi gì, đa phần lợi nhuận đều rơi vào tay một số doanh nghiệp, cá nhân?
Còn nhớ năm 2011, hơn 40 hộ dân thôn 5, xã Hương An (Quế Sơn, Quảng Nam) đã 2 lần tổ chức chặn đường không cho xe của Cty TNHH MTV Phan Văn Minh vào lấy cát. Trước đó, Cty này đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác cát trắng và thu hồi đất, cho thuê đất tại khu công nghiệp TM-DV Đông Quế Sơn với diện tích 10,64ha. Tuy nhiên, có giấy phép trong tay, Cty này đã vội vàng cho xe vào chở cát, phớt lờ hàng chục héc-ta đất lâu nay được người dân dùng để sản xuất. Mặc dù UBND tỉnh đã có công văn nêu rõ Cty TNHH MTV Phan Văn Minh phải có trách nhiệm kiểm kê bồi thường, hỗ trợ tiền đất đai, cây cối, mồ mả cho người dân, nhưng Cty vẫn “lơ”. Việc thiếu trách nhiệm của Cty cho thấy một thực tế là nhiều doanh nghiệp dựa vào “lệnh bài” là giấy phép khai thác của UBND tỉnh cấp để ra sức khai thác, còn chuyện thực hiện bổn phận, trách nhiệm của mình với địa phương thì… “sống chết mặc bay”. Bức xúc, chịu không thấu, người dân phản đối quá gay gắt thì doanh nghiệp, Cty mới miễn cưỡng đền bù, hỗ trợ…
Mới đây, việc khai thác cát tại nghĩa địa Động Chai (xã Tam Anh Nam, H. Núi Thành) của Cty TNHH Phú Long mà mục đích là để lấy cát cung cấp cho Cty Kính nổi Chu Lai cũng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân (Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh). Cũng trong thời gian tìm hiểu thực tế về phóng sự này, P.V đã được chứng kiến cuộc sống khó khăn của bà con nơi đây và hiểu được lý do vì sao gần 50 hộ dân nơi đây quyết đấu tranh đến cùng. Một người dân cho biết: “Tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Cty Kính nổi là tác nhân gây ô nhiễm số 1. Cứ ở đây thử một ngày sẽ biết chúng tôi sinh sống ra sao. Việc này đã có nhiều P.V, nhà báo tới viết bài phản ánh, nhưng tình trạng trên không hề có sự chuyển biến. Quá trình sản xuất gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhưng khi họ khai thác cát làm nguyên liệu lại tiếp tục không có kế hoạch đền bù mà cứ vậy lấy cát. Mãi khi chúng tôi làm đơn kiến nghị mới cho xây dựng nghĩa trang mới. Chúng tôi không phản đối quyết định của tỉnh nhưng chúng tôi mong muốn doanh nghiệp phải có trách nhiệm với địa phương”.
Không chỉ vậy, khắc phục sơ sài việc sụt lún cát ở Động Chai còn làm cho những hộ dân trồng lúa quanh đó lao đao. Kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Duy (trú Tam Anh Nam, Núi Thành) đều phụ thuộc vào đám ruộng một năm cho 2 vụ. Thế nhưng việc đắp taluy bằng đất đỏ để chống sạt lở nghĩa địa Động Chai của đơn vị khai thác cát Phú Long đã làm ruộng nhà ông ngập đất đỏ khi mưa xuống. Ông Duy nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng không có kết quả.
Qua 2 sự việc điển hình trên có thể thấy thực trạng tồn tại trong quản lý khai thác cát trắng hiện nay là “tiền trảm hậu tấu”. Một vài doanh nghiệp chây ì, né tránh việc đền bù cho người dân, chỉ chú tâm khai thác cát, thu lợi nhuận. Để đòi quyền lợi về hoa màu, đất đai, mồ mả bị thiệt hại, người dân phải nhiều lần làm đơn kiến nghị mới được đền bù. Vậy ai sẽ là “chiếc cầu nối” để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, để doanh nghiệp phải hoàn thành đúng nghĩa vụ của mình và để người dân an tâm sản xuất, sinh sống? Câu trả lời xin dành cho chính quyền địa phương.