ThienNhien.Net – Hơn 4 năm qua, xã Chỉ Đạo đã có 38 người chết vì ung thư, trong đó riêng thôn Đông Mai có 16 người. Thế nhưng, những con số này chưa được lãnh đạo địa phương nơi đây chú ý.
Dẫu chưa thể khẳng định chì là nguyên nhân duy nhất khiến người dân làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Vân Lâm, tỉnh Hưng Yên bị ung thư nhưng chắc chắn một điều suốt hơn 30 năm qua, người dân Đông Mai phải sống trong cảnh giọt nước, hạt gạo, mớ rau, con cá bị nhiễm chì; những đứa trẻ sinh ra từ trong bụng mẹ, lớn lên đã bị nhiễm chì trong máu…
“Chúng tôi vẫn sống bình thường”
Ông Lê Huy Gương, Trưởng thôn Đông Mai, cho biết hiện thôn có 719 hộ với 2.000 nhân khẩu. Ở Đông Mai bây giờ còn 40 hộ làm nghề tái chế chì, trong đó có 29 hộ đã ra khu công nghiệp tập trung, còn 11 hộ đang tái chế chì ngay trong làng. Theo ông Gương, mỗi hộ có một lò tái chế chì, bình quân mỗi lò nấu 14 tấn bột trong một tuần và cho ra lò khoảng 7-8 tấn chì.
Hiện hầu hết trẻ em ở thôn Đông Mai đều bị phơi nhiễm chì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự phát triển thể lực, trí tuệ. Thế nhưng, thật bất ngờ, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động tại trụ sở UBND xã, ông trưởng thôn Đông Mai vẫn khẳng định môi trường trong làng đã giảm ô nhiễm nhiều lắm rồi. “Các anh đưa tin cũng chung chung thôi, đừng khuếch đại quá, người dân chúng tôi vẫn sống bình thường, vẫn bảo đảm sức khỏe. Còn bảo bị bệnh ung thư, chết thế nọ thế kia là không có” – ông Gương quả quyết.
Thế nhưng, một sự thật hoàn toàn khác những gì ông trưởng thôn khẳng định khi chúng tôi đến trạm y tế xã, gặp bà Đặng Thị Lý, trạm trưởng, xin được xem cuốn sổ tử, ghi chép số người chết và nguyên nhân chết của những người dân trong các năm qua. Dù chỉ đưa ra cuốn sổ ghi chép từ tháng 1-2010 đến tháng 10-2014, tức chỉ hơn 4 năm nhưng đã khiến chúng tôi hoảng sợ về số người chết vì ung thư. Xã Chỉ Đạo có 4 thôn: Cát Lư, Nghĩa Lộ, Xá và Đông Mai. Trong hơn 4 năm qua, toàn xã có 38 người chết vì ung thư các loại, trong đó thôn Đông Mai có 16 người. Như năm 2010, cả xã có 9 người chết do ung thư thì Đông Mai có 5 người; con số này của năm 2010 là 2/5 người; năm 2014 là 5/8 người.
Các bệnh ung thư mà người dân nơi đây mắc phải chủ yếu là phổi, gan, vòm họng, dạ dày. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân chết do ung thư ở Đông Mai, chỉ có 4/16 người trên 70 tuổi, còn lại chủ yếu chết khá trẻ, như anh Lê Xuân H. (40 tuổi), Đinh Bá V. (35 tuổi), Tạ Văn T. (45 tuổi), Đỗ Văn T. (50 tuổi)…
Hãy cứu những thế hệ tương lai
Ông Lê Văn Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo, cho rằng việc ô nhiễm môi trường ở Đông Mai đã giảm nhiều, các hộ sản xuất đã có những cải tiến đáng kể về kỹ thuật như làm ống dẫn khói, thu vào túi vải để tận thu lượng chì bị mất trong quá trình đun nấu và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ông Lê Đức Lành, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên, cho hay ô nhiễm chì trong đất tại làng nghề tái chế chì Đông Mai là do quá trình tích tụ chì từ hoạt động sản xuất trong nhiều năm. Hiện nay, dù hoạt động tái chế chì trong thôn đã giảm nhưng lượng chì tồn lưu trong đất vẫn rất lớn. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc chì của nhiều trẻ em trong thôn.
Để giúp làng nghề Đông Mai, bà Dương Thị Tơ, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (CECoD), cho biết tháng 9-2013, trung tâm này đã phối hợp với Viện Blacksmith (Mỹ) tổ chức khảo sát đo hàm lượng chì trong đất bằng máy phân tích XRF Model α-4000 tại các con đường làng, các khu vực trường học và 539 hộ gia đình trong thôn Đông Mai. Kết quả khảo sát cho thấy hàm lượng chì tại các điểm đo dao động từ 400 ppm – 5.000 ppm (tiêu chuẩn của Mỹ về hàm lượng chì trong đất đối với các khu vực dân cư là 400 ppm). Đặc biệt, tại những điểm gần các xưởng nấu chì hoặc có hoạt động phá dỡ bình ắc quy, hàm lượng chì ở mức cao, trên 5.000 ppm và có điểm trên 20.000 ppm. Trong 539 hộ, có 261 hộ có đất vườn với hàm lượng chì trong đất dao động từ 28 ppm – 59.513 ppm, trong đó có 23 hộ có hàm lượng chì trong đất ở mức cao, trên 1.200 ppm.
Từ thực tế ô nhiễm nặng ở Đông Mai, với sự tài trợ của Viện Blacksmith, CECoD đã xây dựng dự án “Khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai”, mục đích xử lý đất ô nhiễm chì và tăng cường năng lực cho người dân nhằm giảm thiểu phơi nhiễm chì cho cộng đồng dân cư sinh sống trong làng nghề tái chế chì.
Chì gây ra nhiều bệnh ung thư
Một chuyên gia trong lĩnh vực ung bướu cho biết có nhiều căn nguyên liên quan đến bệnh ung thư nhưng trên thực tế, có mối liên quan giữa chì và các bệnh ung thư. Chẳng hạn những người làm công việc tái chế chì có liên quan đến ung thư; những người có tiếp xúc thì gia tăng ung thư máu, ung thư da, ung thư đường tiêu hóa, phổi, đường hô hấp do tiếp xúc, hít nhiều bột chì. Thậm chí, người mẹ trong quá trình mang thai làm nghề tiếp xúc với chì nhiều khả năng bào thai sẽ bị ung thư máu… |