ThienNhien.Net – Lâm sản ngoài gỗ (LSNG) là thuật ngữ dùng chung cho các loại sản phẩm có nguồn gốc sinh vật rừng không dùng với mục đích làm gỗ và củi. LSNG bao gồm các sản phẩm từ động vật rừng và thực vật rừng. Trong đó, các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng có thể kế đến như: mật ong, trứng kiến đen, nhựa cánh kiến, côn trùng làm thực phẩm. Với các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật rừng, Sách LSNG do Bộ NN&PTNT năm 2007 đã tuyển chọn và giới thiệu 298 loài thực vật có giá trị LSNG, được chia thành các nhóm: cây có sợi, cây làm thực phẩm, cây thuốc, cây cho dầu và nhựa, cây cho tanin và thuốc nhuộm, cây cảnh và cây bóng mát. Tuy nhiên, con số này khá khiêm tốn so với tiềm năng thực tế của rừng Việt Nam đối với LSNG. Theo thống kê của các nhà khoa học, có ít nhất 3.830 loài cây thuốc, 500 loài cây tinh dầu, 620 loài nấm đã được biết đến trong hệ thực vật nước ta.
Có thể nói, với nguồn tiềm năng phong phú, LSNG có thể đáp ứng được tương đối nhu cầu phát triển của nền kinh tế – xã hội, đặc biệt chúng có vai trò vô cùng quan trọng đối với người dân miền núi. Với họ, LSNG không chỉ là nguồn cung cấp thức ăn cho người và gia súc, làm thuốc chữa bệnh và nguyên liệu cho các hoạt động sinh sống thiết yếu khác mà còn trực tiếp tạo ra thu nhập và công ăn việc làm cho người dân, mặc dù tỷ trọng nguồn thu này thường bị đánh giá thấp trong tổng doanh thu ở địa phương.
Không ít LSNG có giá trị lớn đã vượt ra khỏi phạm vi vùng núi để đáp ứng nhu cầu của người miền xuôi, đồng thời phục vụ hoạt động xuất khẩu. Hiện LSNG của Việt Nam đã được xuất sang gần 90 nước và vùng lãnh thổ. Giai đoạn 2005-2007, giá trị xuất khẩu LSNG đem lại nguồn thu 400-500 triệu USD, bằng gần 20% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ. Trong đó, riêng giá trị mây tre đan xuất khẩu năm 2005 đạt trên 130 triệu USD, xuất khẩu vỏ quế năm 2011 đạt gần 30 triệu USD, xuất khẩu hoa hồi năm 2010 đạt 15,6 triệu USD.
Bên cạnh những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế lâm nghiệp, LSNG còn gắn trực tiếp với vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng. Do LSNG rất phong phú về chủng loại, thậm chí có số loài vượt xa số các loài cây gỗ được sử dụng nên giá trị đa dạng sinh học của rừng được bảo tồn trong các cây LSNG là rất quan trọng. Thống kê về hệ thực vật Việt Nam cho thấy, hiện có ít nhất 221 loài thực vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam, 823 loài đặc hữu chỉ có ở Đông Dương. Nhiều loài LSNG thực vật là những loài cây nguy cấp, quý hiếm, được bảo vệ cao, điển hình như: nhóm các loài Lan Kim tuyến (Anoectochilus spp.), Lan hài (Paphiopedilum spp.) được xếp vào nhóm IB những loài thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP.
Mặc dù giá trị của LSNG về nhiều phương diện từ đa dạng sinh học, đến kinh tế, sinh kế của người dân… đều không thể phủ nhận, song vấn đề khai thác và sử dụng LSNG hiện nay vẫn còn hạn chế và phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thách thức trước tiên nằm ở việc khai thác tràn lan, tự phát nguồn tài nguyên này. Nguồn cung LSNG chủ yếu từ rừng tự nhiên và rừng trồng chuyên canh các loài thực vật cho LSNG. Tuy nhiên, việc khai thác LSNG từ rừng tự nhiên hiện nay có thể được tiến hành bởi bất kỳ người nào do không thể kiểm soát được việc người dân vào rừng thu hái lâm sản. Vì tính sở hữu đối với LSNG trong trường hợp này không rõ ràng nên ý thức duy trì, bảo vệ của người dân tương đối thấp. Những hình thức khai thác LSNG hiện tại của người dân thường mang tính chất tận thu, thậm chí hủy diệt. Những loài cây cảnh, cây lấy củ bị đào cả gốc rễ khi khai thác. Cách thu hái sản vật là hoa, quả đối với nhiều loài cây hiện tại là bằng cách đốn hạ cả cây để thu. Thu hái cành lá, hoa quả, măng, lấy nhựa quá mức, hoặc quá sớm vào đầu mùa vụ cũng làm mất đi khả năng tái sinh, phục hồi tự nhiên của các quần thể cây lâm sản, khiến chúng nhanh chóng bị suy thoái và cạn kiệt.
Điều đáng lưu ý là hầu hết các mảng rừng tự nhiên còn lại ở nước ta hiện nay đều nằm trong rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, do các cơ quan nhà nước quản lý. Vì vậy, việc làm thế nào để người dân có quyền tiếp cận tốt hơn với nguồn tài nguyên LSNG và để họ có ý thức cao hơn đối với khai thác LSNG, đồng thời quản lý được việc khai thác ở mức bền vững vẫn là vấn đề nhức nhối ở nhiều khu rừng tự nhiên.
Mặc dù những nghiên cứu, đúc kết về công dụng của LSNG đã có nhiều, song không hiếm trường hợp có những LSNG bỗng nhiên trở thành đối tượng quan tâm khai thác mạnh khi nhu cầu thị trường xuất hiện. Điển hình là loài Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum), Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus), quả Ươi (Scaphium macropodum) là những loài cây trước đây ít được biết tới, nhưng nay là những mặt hàng lâm sản khai thác rất “sốt”, được bán với giá cao trên thị trường trong nước cũng như xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi những nhu cầu đột xuất như vậy xuất hiện, rõ ràng việc khai thác những LSNG này từ rừng tự nhiên sẽ tăng mạnh và với hình thức khai thác thu vét, hủy diệt, tài nguyên nhanh chóng bị suy giảm.
Điều đáng nói là tiềm năng, công dụng, giá trị kinh tế của không ít loài LSNG ở Việt Nam hiện nay còn chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Đây cũng là một trong những thách thức cơ bản của vấn đề khai thác LSNG.
Bên cạnh hoạt động khai thác từ rừng tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn cung LSNG phục vụ nhu cầu thị trường thì việc gây nuôi, trồng những động thực vật cho LSNG cũng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, do đây không phải là những cây trồng lấy gỗ thông thường nên việc chọn giống, nuôi trồng, tạo sản phẩm và thu sản phẩm từ cây trồng là những vấn đề nhận được rất ít sự quan tâm và phải đối mặt với nhiều khó khăn về kỹ thuật. Hầu hết việc gây trồng cây LSNG mang tính tự phát ở các địa phương có điều kiện. Ngay cả đối với những loài cây đã được gây trồng lâu đời như Quế (Cinnamomum spp.), Hồi (Illicium spp.), Thảo quả (Amomum tsaoko)… thì vấn đề kỹ thuật lâm sinh để đạt được năng suất cao, phẩm chất lâm sản tốt vẫn còn ít được nghiên cứu.
Ngoài các thách thức về mặt kỹ thuật, khai thác hay sử dụng các mặt hàng từ LSNG nước ta nói chung vẫn chủ yếu được sử dụng ở dạng nguyên liệu thô hay sơ chế trước khi xuất khẩu hoặc bán ra thị trường tiêu thụ. Do đó, giá trị thu được từ các sản phẩm lâm sản chưa cao, mức tiêu thụ và giá lại bị phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài. Điều này cũng cản trở không nhỏ sự phát triển của ngành LSNG Việt Nam, nhất là trong bối cảnh trước thềm hội nhập thị trường chung ASEAN vào năm 2015.
Từ những vấn đề tồn tại của hiện trạng khai thác sử dụng LSNG, thiết nghĩ cần: (i) Đẩy mạnh và mở rộng các nghiên cứu về khai thác LSNG bền vững, xây dựng các quy trình tiêu chuẩn cho khai thác; (ii) Những quy chuẩn về phương thức khai thác LSNG cần được dùng làm cơ sở để thiết lập các cơ chế chia sẻ lợi ích đối với LSNG trong rừng tự nhiên, hạn chế những hình thức khai thác thiếu bền vững của người dân; (iii) Gắn quyền lợi khai thác LSNG ở từng khu rừng cho những cộng đồng địa phương cụ thể nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân với việc bảo vệ tài nguyên rừng; (iv) Nghiên cứu lựa chọn các loài LSNG có tiềm năng chưa được tận dụng để chủ động phát triển các sản phẩm từ LSNG phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; (vi) Nghiên cứu các biện pháp lâm sinh đối với những loài LSNG có tiềm năng gây trồng và thương mại; (vii) Đưa các loài cây LSNG vào trong các hệ thống canh tác dưới tán rừng; xây dựng các quy trình gây trồng phù hợp với LSNG trong điều kiện rừng tự nhiên, vừa không ảnh hưởng đến độ che phủ của rừng, vừa tạo được nguồn sản phẩm từ rừng; (viii) Nghiên cứu và đầu tư cải tiến công nghệ chế biến và phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài; (ix) Thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư phát triển sản phẩm LSNG, nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận thị trường.
Nguyễn Đức Tố Lưu/PanNature