ThienNhien.Net – Vẫn còn một vài vướng mắc về thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và năng lực sản xuất ethanol…
Từ ngày 1/12/2014, xăng sinh học E5 sẽ được triển khai bán rộng rãi và được sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là chủ trương lớn nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề về môi trường và phát thải carbon tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai thí điểm thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người tiều dùng, thì rất cần những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ từ khâu sản xuất đến kinh doanh, phân phối, nhằm thực hiện thành công lộ trình mà Chính phủ đưa ra.
Ông Trần Đắc Xuân, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực I – một trong những đơn vị của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tham gia kinh doanh xăng E5 tại Hà Nội cho biết, riêng công ty sẽ mở 12 điểm bán mặt hàng này. Để đảm bảo nguồn cung, công ty đã xây dựng xong trạm phối trộn tại Đức Giang với công suất khoảng 80-100 m3/giờ và sẽ nâng công suất theo nhu cầu thực tế của thị trường.
“Công ty đang tích cực triển khai các thủ tục để thực hiện đúng theo lộ trình bắt đầu từ 1/12; hoàn thiện các trạm trộn tại Tổng kho xăng dầu Đức Giang và đưa hàng đến các điểm bán. Đầu tư nhiều nhất là xây dựng trạm trộn ở tổng kho, trên 10 tỷ đồng. Tất cả phương án về nguồn đã được tính toán và đáp ứng đủ nguồn cung cho 12 cửa hàng và nhu cầu trên thị trường”, ông Xuân cho biết.
Hà Nội là 1 trong 7 địa phương trong cả nước sẽ mở rộng tiêu thụ xăng sinh học E5 từ 1/12/2014. Nếu như trước đây, Hà Nội chỉ có 5 điểm bán xăng E5 thì nay tăng lên 42 điểm bán. Ngoài Hà Nội, một số tỉnh, thành khác trong cả nước đã triển khai thí điểm bán xăng sinh học một vài năm trở lại đây, nhưng mức tiêu thụ chỉ bằng 1/8 xăng thông thường. Khi mới đưa ra thị trường, không ít người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng và mức độ an toàn.
Thực chất, xăng sinh học là xăng A92 pha với cồn tuyệt đối (ethanol – nhiên liệu được sản xuất từ mía, ngô, sắn hay rơm rạ, vỏ trấu). Tùy theo tỉ lệ 5%, 10%, 85% ethanol trong sản phẩm mà có các loại xăng E5, E10, E85. Kết quả nghiên cứu của Viện Cơ khí động lực học, Đại học Bách Khoa cho thấy, nhiên liệu E5 sản xuất trong nước hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên các động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi kết cấu.
Việc sử dụng xăng E5 còn giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải HC, CO. Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng bắt đầu tin tưởng và hướng tới sử dụng xăng E5 thay cho xăng thường.
Anh Trịnh Quốc Bảo, ở quận Đống Đa và anh Nguyễn Thái Hà ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, dùng xăng sinh học E5 không thấy có dấu hiệu bất thường, xe chạy tốt lại không đắt hơn so với xăng thường và góp phần bảo vệ môi trường.
“Nếu nhiều người tiêu dùng sử dụng loại xăng này thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho đời sống và môi trường. Nhưng giờ Hà Nội còn quá ít điểm bán xăng E5. Sắp tới nếu mở rộng thêm nhiều điểm bán và giá thành giảm hơn xăng thông thường sẽ khuyến khích được nhiều người mua”, anh Bảo cho biết.
Hiện giá bán xăng sinh học E5 vẫn bằng với xăng RON 92, (20.250 đồng/lít). Theo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, lý do chưa thể giảm giá thấp hơn so với xăng truyền thống là bởi, hiện vẫn chưa có chính sách ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi 9% đối với E5 và 8,5% đối với E10. Theo Bộ Tài chính, số thu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm khoảng 100 tỷ đồng/năm, nhưng lại hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí nhờ giảm thuế trong bối cảnh mới bắt đầu triển khai, chi phí khấu hao còn lớn, tạo điều kiện giảm giá thành xăng sinh học.
Dưới góc độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có cơ chế chính sách phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất ethanol. Bởi thời gian qua, do phân phối và tiêu thụ khó khăn, dẫn đến nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng. Một số nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu phải xuất khẩu sang Philippines, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, hiện tại các nhà máy của Tập đoàn có thể sản xuất 200 triệu lít E100/năm, pha trộn được 4 triệu m3 xăng E5. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ thế nào.
“Từ đầu năm đến nay lượng ethanol chủ yếu cung cấp cho xuất khẩu, một số cung cấp cho tiêu thụ trong cả nước. Với lộ trình này thì có khả năng lượng tiêu thụ sẽ lớn hơn. Tuy nhiên, Nhà nước phải có cơ chế giá phù hợp. Thứ hai là quy hoạch vùng nguyên liệu. Thứ ba là hỗ trợ vốn đầu tư cho các nhà máy vì mỗi nhà máy đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng”, ông Khang cho biết.
Mặc dù từ tháng 12/2014, xăng sinh học E5 được triển khai rộng rãi ở 7 tỉnh thành trong cả nước, tuy nhiên, số điểm bán xăng E5 vẫn chiếm phần nhỏ trong số khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Hiện mới chủ yếu mới có các doanh nghiệp đầu mối triển khai kinh doanh xăng sinh học E5.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia kinh doanh mặt hàng này. Bộ Công Thương cho biết, qua theo dõi quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng sẽ đề xuất chính sách khuyến khích cụ thể cho các bên tham gia quá trình sản xuất, kinh doanh nhiên liệu sinh học. Liên quan đến cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích tiêu dùng,
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, về chiến lược kinh doanh mặt hàng này tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, có thể giảm hoặc không giảm, mức độ như thế nào để thâm nhập thị trường tốt hơn. Nhà nước không bù giá cho doanh nghiệp trong kinh doanh xăng dầu.
“Quan điểm của Chính phủ là khi phát triển nhiên liệu sinh học vẫn phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững và tuân theo cơ chế thị trường. Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp qua cơ chế ưu đãi về thuế, phí, các cơ chế nhập khẩu… Tùy theo từng đối tượng và từng thời gian sẽ có chính sách cụ thể”, ông Hưng cho biết.
Theo lộ trình, từ cuối năm 2015, xăng E5 sẽ tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc. Phát triển nhiên liệu sinh học là mục tiêu quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng; môi trường xanh và nâng cao thu nhập cho nông dân. Để người tiêu dùng hướng đến sản phẩm này, nhất thiết như chất lượng phải đảm bảo, hệ thống phân phối phải rộng khắp. Ngoài ra, để phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp từ quy hoạch nguyên liệu sản xuất đến khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia để thực hiện thành công lộ trình sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học.