ThienNhien.Net – Sau 3 năm thực hiện, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định sự phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, được các bên liên quan thực hiện tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Nguyên do: đây là chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện ở nước ta và trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn thi hành chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.
Tạo lập nguồn lực tài chính mới
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã tạo lập một nguồn lực tài chính mới, ổn định, bền vững phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng; góp phần nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Đến nay, hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách đã dần được hoàn chỉnh với trên 20 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có 4 thông tư hướng dẫn chính sách chi trả DVMTR đã được ban hành. Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng, dựa vào đó các đơn vị, địa phương hoàn toàn có thể chủ động triển khai vận hành, tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR để thu nộp, có kế hoạch triển khai chi trả tiền dịch vụ cho các chủ rừng.
Đến nay, đã có 36 tỉnh thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 32 tỉnh đã ổn định tổ chức bộ máy hoạt động. Toàn quốc đã ký được 351 hợp đồng ủy thác với các cơ sở sử dụng DVMTR thu tiền dịch vụ để chi trả cho chủ rừng. Sau hơn 3 năm, cả nước đã thu được hơn 3.329 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng. Tỷ lệ giải ngân bình quân chung đến các chủ rừng đạt trên 70%. Nguồn tiền này đã đóng góp rất lớn vào công tác bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo kinh phí duy trì bảo vệ diện tích rừng bình quân đạt từ 2,8 đến 3,37 triệu ha rừng/năm.
Bên cạnh đó, chính sách đã góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa. Mức thu nhập bình quân hàng năm của các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng từ chính sách chi trả DVMTR của cả nước đạt 1,8 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn tiền DVMTR còn góp phần giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp, giúp các công ty khôi phục sản xuất, thoát khỏi nguy cơ bị giải thể, phá sản trong bối cảnh nhà nước có chủ trương hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác gỗ từ rừng tự nhiên.
Xử lý các nhà máy thủy điện nhỏ chây ỳ
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, chính sách chi trả DVMTR là một sáng kiến được quốc tế đánh giá cao và được xã hội rất ủng hộ, mặc dù diện tích rừng chưa nhiều nhưng Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc thực hiện chính sách này. Chính sách chi trả DVMTR có tác dụng nâng cao nhận thức của người sử dụng, giúp cho người trồng rừng được cải thiện đời sống, công tác bảo vệ rừng được tăng thêm nguồn vốn đầu tư, đưa dịch vụ môi trường trở thành dịch vụ hàng hóa. Kết quả đó góp phần phát triển bền vững việc sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường. Việt Nam là quốc gia rất thiếu nước và chịu tác động ngày càng nặng nề của môi trường. Do đó, hơn ai hết, chính chúng ta phải tích cực bảo vệ môi trường rừng, môi trường sinh thủy của mình. Tuy nhiên, trong số 5 loại dịch vụ môi trường rừng, hiện mới chỉ thu được 3 loại dịch vụ là thủy điện, nước sạch và du lịch, còn hai dịch vụ là hấp thụ, lưu giữ các-bon và cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn con giống sử dụng nguồn nước từ rừng tự nhiên trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa triển khai thu theo quy định tại Nghị định 99/2010/NĐ-CP, trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh triển khai chính sách hơn nữa.
Chỉ rõ việc một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất dưới 30MW thuộc sở hữu tư nhân cố tình chây ỳ, tìm nhiều lý do để trì hoãn việc chi trả DVMTR. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định thực tế mức chi trả tiền DVMTR áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là quá nhỏ, các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, phải tuyên truyền để doanh nghiệp thấy được trách nhiệm trong việc sử dụng cả nguồn nước và lưu vực.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thủy điện rà soát, ký kết lại các hợp đồng mua bán điện có tiền dịch vụ môi trường trong cơ cấu giá điện. Kiểm tra chặt các nhà máy thủy điện nhỏ chây ỳ, không chịu nộp tiền DVMTR cho các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, hướng dẫn thực hiện nghiêm theo quy định. Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, tuyên truyền phổ biến chính sách, đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện nghiêm việc thu nộp tiền theo quy định. Kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo hướng gọn nhẹ; lồng ghép thực hiện chính sách chi trả DVMTR với việc bảo vệ, phát triển rừng và các chính sách khuyến khích, phát triển lâm nghiệp khác có liên quan.
Với những bất cập trong chính sách dẫn đến chênh lệch về mức chi trả, tỷ lệ giải ngân thấp, chưa huy động hết các nguồn thu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bên liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 99/2010/NĐ-CP hợp lý. Bộ NN&PTNT cần tổ chức kiểm tra, đánh giá các vướng mắc, trên cơ sở đó có các giải pháp để thực hiện trong những năm tiếp theo; phối hợp với Bộ Tài chính có giải pháp xử lý về chi phí quản lý và nguồn thu với diện tích rừng tự quản theo Thông tư 62/TTLT-BNNPTNT-BTC. Rà soát, sửa đổi, đảm bảo sự thống nhất giữa quy định tại Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng và Thông tư 85/2012/TT-BTC về hướng dẫn chế độ tài chính cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch quy định tiêu chí thành lập, mô hình tổ chức và phân cấp quản lý các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp.
Nâng cao nhận thức
Để phát triển rừng bền vững, trong thời gian tới, Điện Biên sẽ triển khai các biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng với các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để chủ động việc đảm bảo công tác chi trả DVMTR. Quán triệt đến các đơn vị liên quan chú trọng và làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về chính sách chi trả DVMTR. Thực hiện tốt công tác rà soát giao đất, giao rừng, tiếp tục chi trả tiền DVMTR sau khi các huyện đã rà soát, xác định chủ rừng. Đồng thời tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát về tổ chức thực hiện chi trả DVMTR để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả đúng mục đích, hiệu quả,… Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vướng trong chi trả Tính đến tháng 6/2014, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Tuyên Quang mới tiếp nhận trên 9 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng điều phối từ Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. Tuy nhiên, Quỹ mới tạm ứng gần 2,8 tỷ đồng cho 2 tổ chức, còn những chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và tổ chức không phải là chủ rừng được nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng do chưa xác định được diện tích đã giao nên chưa thể chi trả theo dự kiến. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Tuyên Quang Số vụ cháy rừng giảm Trước khi có chủ trương chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ, người dân không có ý thức cao trong công việc bảo vệ rừng, thường xuyên để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, đốt nương làm rẫy không ai quản lý. Nhưng từ năm 2012 trở lại đây, khi rừng có chủ, việc bảo vệ đã được nhân dân tự giác phối hợp với kiểm lâm làm tốt; số vụ cháy rừng giảm hẳn. Ông Mã Seo Sẩu, thôn San 2, xã Lao Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai) Tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng San Sả Hồ là địa phương có nhiều diện tích rừng được nhận khoán nhất huyện Sa Pa. Từ khi có chủ trương của Nhà nước giao khoán bảo vệ và có quỹ dịch vụ môi trường rừng chi trả, xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phối hợp với các cơ quan chức năng và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện Sa Pa đo đạc diện tích rừng và tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng đối với các chủ rừng. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, rừng được bảo vệ tốt, số vụ vi phạm lâm luật hầu như không còn. Ông Mã A Nủ, Chủ tịch UBND xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa (Lào Cai) |